Nội dung chính
Phần lớn những người chủ nuôi chó thường nghĩ rằng việc cho chúng ăn những bữa ăn thịnh soạn, thừa mứa là cách để thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình dành cho cún cưng.
Tuy nhiên đây chính là một trong nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, làm giảm tuổi thọ của cún. Dễ thấy nhất là chứng béo phì – một trong những chứng bệnh đang phát triển với tốc độ chóng mặt ngày nay.
Bệnh béo phì
Béo phì là tình trạng có quá nhiều mỡ thừa được tích lũy trong cơ thể, thường xảy ra ở những chú chó được cho ăn quá nhiều, vận động quá ít hoặc có xu hướng khó giảm cân. Bệnh béo phì có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cún cưng, làm giảm tuổi thọ ngay cả với những chú chó chỉ hơi thừa cân. Nó ảnh hưởng đến mọi phần của cơ thể, bao gồm cả xương, khớp, bộ máy tiêu hóa và các tế bào hô hấp.
Bệnh phổ biến ở những chú chó trưởng thành, tầm tuổi giữa khoảng 5 – 10 tuổi. Chó đã bị triệt sản hoặc được nuôi trong nhà cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì.
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân khiến cún cưng trở nên béo phì. Thường thấy nhất là do sự bất hợp lí giữa năng lượng chúng nạp vào và năng lượng sử dụng hàng ngày – ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể cần. Bệnh béo phì cũng phổ biến ở những chú chó trưởng thành do ở lứa tuổi này, khả năng hoạt động của chúng dần trở nên kém hơn. Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, chứa quá nhiều carbohydrates hay thường xuyên được thưởng thêm đồ ăn cũng dẫn đến bệnh béo phì ở chó.
Một số nguyên nhân khác gây bệnh là tình trạng hypothyroidism – sự suy giảm hoạt động ở tuyến giáp, insulinoma – u tuyến tụy nội tiết, hyperadrenocorticism – rối loạn dư thừa nội tiết, và do hậu triệt sản.
Triệu chứng
-
Tăng cân
-
Tích lũy mỡ thừa ở một hay một số bộ phận cơ thể
-
Không có khả năng hoặc lười vận động
-
Các chỉ số cơ thể trên mức bình thường
Chẩn đoán
Bệnh béo phì được chẩn đoán bằng cách đo trọng lượng hay tính toán các chỉ số thể trạng của cún. Các bác sĩ thú y sẽ kiểm tra bằng cách nắn xương, ngang lưng, đuôi và đầu; sau đó so sánh các chỉ số trên với chỉ số tiêu chuẩn cho giống chó của bạn. Chỉ số của những chú chó béo phì sẽ vượt trên tiêu chuẩn khoảng 10 đến 15%.
Điều trị
Để điều trị bệnh béo phì, chúng ta cần đảm bảo cho cún duy trì giảm cân lâu dài, bằng cách giảm mức năng lượng cún nạp vào hàng ngày, đồng thời tăng tần suất vận động của chúng. Các bác sĩ thú y sẽ hướng dẫn bạn cụ thể trong việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cũng như duy trì kế hoạch giảm cân cho cún.
Chế độ dinh dưỡng được khuyên dùng chứa nhiều chất đạm và chất xơ, nhưng ít chất béo – vì chất đạm có khả năng kích thích quá trình trao đổi sinh hóa và tiêu thụ năng lượng trong cơ thể, đồng thời tạo ra cảm giác no tránh cho cún nhanh cảm thấy đói ngay sau khi vừa ăn. Các chất xơ không những chứa rất ít năng lượng, mà còn thúc đẩy sự hoạt động của đường ruột và sử dụng năng lượng.
Một yếu tố khác cần có để điều trị bệnh béo phì thành công là tăng tần suất hoạt động thể chất cho cún. Bạn nên cho chúng đi dạo 2 lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 15 phút, và cùng cún chơi các trò chơi vận động như ném bắt.
Cách phòng ngừa
-
Thường xuyên cho cún vận động.
-
Kiểm soát chế độ dinh dưỡng của cún.
Công thức để xác định năng lượng cần thiết cho cún ăn hàng ngày là:
Nhu cầu năng lượng mỗi ngày(kcal) = 132 x (trọng lượng cơ thể cún tính theo kg)0.75
-
Theo dõi và ghi lại cân nặng của cún theo hàng tháng.
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y khi thấy cún cưng có dấu hiệu thừa cân.
Yêu thương cún đúng cách là khi bạn cung cấp cho chúng một chế độ dinh dưỡng hàng ngày vừa đủ để duy trì sức khỏe, cũng như thường xuyên dành thời gian đưa chúng đi dạo, thay vì cho cún ăn quá nhiều dẫn đến nhiều hệ quả xấu đến sức khỏe lâu dài của chúng. Điều mà thú cưng mong muốn là tình yêu và sự chăm sóc của bạn chứ không phải là những bữa ăn quá đầy đến mức thừa mứa.
Nguồn: nanapet.com