Cách chăm sóc Mèo con – P1

Thời gian sẽ trở nên rất thú vị khi bạn dành toàn bộ tâm trí vào việc chuẩn bị chăm sóc một bé mèo con.

Điều này có thể diễn ra rất tình cờ, khi bạn vô tình phát hiện một chiếc hộp có chứa một chú mèo con bị vứt dọc đường. Hoặc đó cũng thể là chủ ý của bạn khi quyết định đón những bé mèo hoang về nhà, giúp chúng hòa nhập xã hội để có cơ hội được nhận nuôi, hay đơn giản là vì bạn muốn chăm sóc một chú mèo con của riêng mình.

Dù trong bất kỳ tình huống nào, nếu bạn chưa phải là một người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc mèo con, bạn sẽ cần tìm hiểu rất nhiều thông tin trợ giúp. Loạt bài viết này sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất, kèm theo một số những luận điểm mở rộng, rõ ràng về các yếu tố bạn cần biết để chăm sóc mèo con.

Cách chăm sóc Mèo con - P1 - cach cham soc meo con p1 500x375

Sắp xếp để nhà mình trở thành nơi an toàn cho mèo

Những bé mèo con xưa nay vẫn rất hiếu động, nghịch ngợm, trong khi căn nhà của chúng ta lại có nhiều đồ gia dụng vốn là đồ chơi ưa thích nhưng có thể sẽ gây nguy hại tới chúng, chẳng hạn như dây buộc rèm, dây diện hay vài loại thực vật ngon miệng (nhưng độc hại). Mèo con có thể thực hiện một số những hành động nguy hiểm cho bộ móng vuốt nhỏ của chúng như leo, bám vào tấm rèm cửa hoặc những đồ nội thất của bạn. Bởi vậy, việc sắp xếp lại ngôi nhà một chút, để biến nó thành nơi an toàn cho mèo cưng là rất cần thiết.

Điều đầu tiên bạn cần làm là hãy thử đặt mình vào vị trí ngang với mèo cưng bằng cách ngồi hoặc nằm trên sàn nhà. Sau đó, ngước lên và nhìn khắp phòng, thử tìm ra những món đồ thú vị có thể chơi được. Từ vị trí thuận lợi này, bạn sẽ liệt kê ra được một danh sách những nguy cơ tiềm ẩn với mèo hay những món đồ dễ vỡ cần bảo vệ để có cách ứng phó phù hợp.

Danh sách đồ cần mua

Đừng chờ cho đến khi bạn đã đón bé mèo con về nhà rồi mới phát hiện mình quên không mua thùng và cát vệ sinh cho mèo. Bạn hãy tham khảo trước danh sách những đồ dùng thiết yếu cần chuẩn bị để giúp chăm sóc chú mèo của mình được luôn khỏe mạnh và vui vẻ.

Tầm quan trọng của việc cách ly

Nếu trong nhà bạn không có bất cứ thú cưng nào khác, thì việc giúp một bé mèo con mới được đón về hòa nhập với gia đình là một vấn đề khá đơn giản. Bạn sẽ giúp nó trở thành một thành viên trong gia đình mình một cách tự nhiên. Và chắc chắn bạn sẽ dành rất nhiều thời gian cho việc này, cũng như tạo ra mối liên kết tình cảm với mèo cưng của mình và thường là nuông chiều nó.

Tuy nhiên, nếu trong nhà bạn vốn có một chú chó hoặc chú mèo khác rồi, thì đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đầu tiên, để bảo vệ những thú cưng khác không bị nhiễm các bệnh lây lan hay ký sinh trùng, bạn cần phải cách ly bé mèo con mới ở riêng một chỗ cho tới khi nó được tiến hành bài kiểm tra thú y đầu đời. Mèo hoang thường có ve tai, bọ chét và những loại ký sinh trùng khác. Đáng buồn là, chúng thậm chí có thể bị nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch (FIV) hoặc virus giảm bạch cầu ở mèo (FeLV). Trong trường hợp bạn nhận nuôi mèo con từ các trạm cứu hộ, nó thường có khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp (URIs). Ngay cả khi bạn đón mèo con từ những người lai tạo giống, vẫn có đôi lúc chúng đã ủ bệnh. Bởi lẽ, với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, thời gian ủ bệnh thường là từ khoảng 3 – 4 tuần, do đó, kể cả một nhà lai giống uy tín cũng có đôi lúc không nắm bắt rõ được tình trạng mắc bệnh này ở mèo con.

Bạn hãy để mèo con ở trong một căn phòng riêng biệt trong một vài ngày (chúng ta có thể gọi nó là “Phòng an toàn”). Cần đảm bảo trong căn phòng đó, mèo con có chỗ riêng để ngủ, đĩa đựng đồ ăn hay nước uống và tất nhiên là cả thùng vệ sinh nữa. Sau khi mèo con đã được bác sĩ thú y tiến hành kiểm tra rõ ràng, bạn bắt đầu mở hé cánh cửa của phòng an toàn đó để những thú cưng khác có thể ghé vào đánh hơi và lén nhìn bé mèo mới. Bạn có thể dùng một chiếc khăn nhỏ lau hoặc xoa khắp người mèo con để chiếc khăn hấp thu mùi của nó, sau đấy đặt chiếc khăn vào chỗ ngủ của những chú mèo cũ trong nhà. Việc này sẽ giúp chúng quen dần với mùi của bé mèo con mới tới. Bạn đồng thời làm ngược lại hành động này, tức là cũng đưa cho mèo con một chiếc khăn hay chiếc chăn nhỏ có lưu giữ mùi hương của những chú mèo cũ. Sau khi thực hiện như vậy một vài ngày, bạn hãy thử để mèo con vào trong một chiếc giỏ và cho phép những mèo cưng khác có thể lại gần và hít ngửi, đánh hơi mùi của nó. Ban đầu, chắc chắn giữa các chú mèo sẽ có đôi chút gầm gừ và vài hành động không thoải mái, bởi điều đó đã thuộc về bản năng của chúng. Tuy nhiên, rất nhanh chóng thôi (chỉ khoảng 1 – 2 tuần), chúng sẽ dần ổn định và có những tiến triển tốt khi ở gần nhau. Quan trọng là bạn không nên vội vàng bất cứ điều gì, và nhớ để mắt tới cả mèo con lẫn những chú mèo cũ trong khoảng thời gian giao hòa, chuyển tiếp này.

Với trường hợp bạn nhận những chú mèo con hoang dã về nuôi, thông tin hỗ trợ sẽ được đề cập cụ thể ở phần 3của loạt bài viết này.

Kiểm tra sức khỏe

Như đã đề cập ở trên, việc đưa mèo con mới nhận nuôi tới cơ sở thú y để kiểm tra sớm nhất là một việc hết sức cấp thiết. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe của mèo con, mà còn đảm bảo nó sẽ không mắc bệnh hay có khả năng lây lan tới các chú mèo khác bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm nào, ví dụ như nhiễm virus giảm bạch cầu. Nếu có thể, tốt nhất là bạn nên cho mèo con kiểm tra sức khỏe trước khi mang nó về nhà. Hoặc bạn cũng có thể đưa mèo đi kiểm tra trong vòng 48 giờ đầu sau khi đón về nếu thấy mèo con có vẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu nó có bất kỳ triệu chứng nào như: chảy nước mắt, hắt hơi, khó thở hoặc không ăn, thì đừng chậm chễ, cần mau chóng đưa mèo cưng đến cơ sở thú y để kiểm tra kỹ lưỡng.

Lưu ý: Bạn sẽ cần phải cách ly mèo con khỏi những chú mèo khác cho đến khi việc kiểm tra thú y được hoàn tất.

Dưới đây là lịch trình kiểm tra sức khỏe hợp lý cho mèo con:

  • 3 tuần: tẩy giun

  • 6 tuần: tẩy giun

  • 9-10 tuần: tiêm vắc xin phòng các bệnh FHV (loại virut gây ra bệnh herpes – bệnh cấp tính về đường hô hấp), FCV (loại virut là nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp), FPV (loại virut gây bệnh viêm đường ruột), kiểm tra có chứa virus giảm bạch cầu hay không và tiêm vắc xin phòng ngừa, tẩy giun

  • 12-14 tuần: tiêm tiếp vắc xin phòng các bệnh FHV, FCV, FPV, tiêm vắc xin chống virus giảm bạch cầu, tiêm phòng dại, tẩy giun

Một vấn đề quan trọng khác là bạn phải xem xét về việc triệt sản cho mèo con trong khoảng thời gian hợp lý. Mặc dù một số bác sĩ thú y vẫn khuyên nên đợi cho mèo con lớn thêm, nhưng hiện nay có rất nhiều người ủng hộ thực hiện triệt sản cho mèo khi chúng được khoảng 6 – 8 tuần tuổi. Nếu bạn nhận nuôi một bé mèo con từ một nhóm cứu hộ mèo, hầu hết những bé mèo đó đều được sắp xếp để giảm bớt chi phí triệt sản ở các cơ sở thú y địa phương; hoặc có khi những người chủ nuôi chỉ phải trả các khoản tiền cho việc hoàn tất thủ tục trước khi đón mèo con về nhà.

Nguồn: nanapet.com

Thảo luận cho bài: Cách chăm sóc Mèo con – P1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *