Cách chăm sóc Mèo con – P2

Trong phần 1, chúng ta đã cùng thảo luận một vài vấn đề bạn cần chuẩn bị khi đón một bé mèo con về nhà, cách thức để giúp chúng hòa hợp với gia đình mới của mình và thực hiện kiểm tra sức khỏe thú y lần đầu tiên cho mèo con.

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng tiếp tục tìm hiểu một vài yếu tố cơ bản cần quan tâm khác khi bạn chăm sóc một bé mèo con như: thực phẩm cho mèo con, việc chúng đùa nghịch, thiết lập những kỷ luật để huấn luyện chúng và chăm sóc giấc ngủ cho mèo cưng.

Cách chăm sóc Mèo con - P2 - cach cham soc meo con p2 500x375

Đồ ăn dành riêng cho mèo con

Mặc dù mèo con của bạn cần gấp đôi lượng dinh dưỡng so với mèo trưởng thành để tăng trưởng, tuy nhiên, ở độ tuổi này, dạ dày của chúng lại không thể tiêu hóa cùng một lượng thức ăn tương đương với mèo lớn. Vào khoảng 6 tuần tuổi, bạn nên cho mèo con ăn ít nhất 4 bữa nhỏ mỗi ngày. Sau đó, khi mèo cưng được 12 tuần tuổi thì bạn hãy tăng lượng thức ăn của một ngày lên gấp 3 lần cho tới lúc nó được 6 tháng tuổi. Từ trên 6 tháng tuổi trở đi, bạn có thể cho chúng ăn 2 lần mỗi ngày.

Cách chăm sóc Mèo con - P2 - 299905 cats kitten eating 500x333

Những điều nên làm và không nên làm

Không nên cho mèo con ăn thức ăn của chó. Bởi lẽ, trong đồ ăn dành cho chó, không có chứa loại chất mà mèo con cần phải được hấp thu là taurine (một loại axit hữu cơ, thuộc nhóm chất đạm, đóng vai trò như chất chống oxi hóa, có ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào thần kinh và sự co bóp của tim). Nếu mèo con không được bổ sung taurine, chúng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc bị mù.

Không nên cho mèo con ăn những đồ ăn thừa hay bổ sung thêm sữa vào chế độ ăn uống của chúng (bởi sữa có thể khiến mèo con bị đầy bụng hoặc tiêu chảy). Bạn nên tập luyện cho mèo thói quen biết xin ăn khi đói và như vậy, khi mèo con của bạn đã no bụng, chúng sẽ không ăn những thức ăn thiếu các dinh dưỡng cần thiết nữa.

Không nên cho mèo con của bạn ăn gan, cá ngừ đóng hộp hay bất cứ loại cá đóng hộp nào của con người. Những đồ ăn này có thể sẽ khiến mèo con bị mất cân bằng giữa các vitamin A, D hay E và điều này thậm chí có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Nên cho mèo con của bạn ăn một chế độ thực phẩm chất lượng, cân bằng về mặt dinh dưỡng và phù hợp dành riêng cho chúng. So với những chú mèo lớn, các bé mèo con cần nhiều protein hơn để phát triển khung xương chắc chắn và các bó cơ khỏe mạnh. Chúng cũng cần nhiều calo hơn để luôn duy trì mức năng lượng cao. Sau này, bạn cũng có thể bổ sung thêm vào chế độ ăn uống của mèo con những loại thực phẩm khô dành cho mèo và có chất lượng tốt. Tuy nhiên, khi mèo con còn nhỏ, chúng cần nạp thêm phần calo trong thức ăn ướt đóng hộp để có đủ năng lượng và tăng trưởng.

Hòa nhập xã hội và chơi đùa

Những tuần đầu đời của mèo con là khoảng thời gian quan trọng nhất để chúng biết cách giao tiếp xã hội và tạo dựng những liên kết tình cảm với con người. Do vậy, bạn nên trân trọng giai đoạn quý giá này để vun đắp mối quan hệ giữa bạn và mèo con. Đây cũng là thời điểm bạn có thể ôm ấp, âu yếm, chơi đùa nhẹ nhàng và trò chuyện với mèo cưng của mình. Chỉ cần trong thời gian này, bạn có những cư xử phù hợp, mèo con sẽ nảy sinh tình cảm và dần trở thành một người bạn trong cuộc sống của bạn, từ đó, cùng nhau tạo ra những khoảng thời gian hạnh phúc. Có thể ví những bé mèo con lúc này giống như một cục đất sét trong tay người chủ và chính bạn là người sẽ nhào nặn nên tính cách của nó. Đồng thời, trong quãng thời gian này, việc bạn củng cố sự gắn kết của mình với mèo con sẽ khiến chúng tin tưởng hơn vào tình cảm của bạn, cũng như biết rằng bạn sẽ chăm sóc cho nó suốt cuộc đời sau này. Đây là quá trình nảy sinh tình cảm với chủ nuôi một cách rất bản năng ở những chú mèo con.

Mèo con trong những tuần đầu đời gần như thích thú đùa nghịch với mọi thứ và bạn có thể sẽ thấy muốn mua cho mèo cưng của mình hàng loạt món đồ chơi thú vị. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chúng cũng giống như trẻ con vậy và có những khi chỉ chơi đùa với một cục giấy vo tròn như quả bóng, chúng cũng sẽ thấy rất vui vẻ giống như chơi với một đồ chơi hình con chuột có gắn động cơ.

Một trong những cảnh báo quan trọng ở độ tuổi này là đừng để mèo con của bạn bắt đầu thấy thích thú đùa nghịch với tay của bạn như thể đó là một món đồ chơi. Việc này có thể khiến chúng phát triển một thói quen xấu là hay cào xước da hoặc cắn các ngón tay của bạn. Hãy để mèo yêu phân biệt rõ ràng: tay là để cầm nắm, vuốt ve và ôm ấp nhẹ nhàng còn đồ chơi mới là thứ để chúng thoải mái đùa nghịch.

Bạn có thể tận dụng khoảng thời gian chải lông cho mèo cưng như một cơ hội để gắn kết hai bạn hơn. Một khi các chú mèo phát hiện ra việc chải chuốt thú vị thế nào thì hầu hết bọn chúng đều yêu thích việc đó. (Cũng giống như bản thân bạn vậy, đã bao giờ bạn từ chối việc được gãi lưng nhẹ nhàng, bằng những ngón tay đã được cắt tỉa móng gọn gàng chưa?)

* Chải lông: Đối với những chú mèo con lông ngắn, bạn có thể sử dụng một chiếc lược để chải, nhưng hãy nhớ nhẹ nhàng một chút. Với những bé mèo con còn quá nhỏ hoặc lông quá mỏng (dễ gãy, rụng) như giống mèo Rex hoặc Sphynx, bạn nên đeo găng tay và chầm chậm vuốt ve, dùng tay để chải lông cho chúng. Một chiếc bàn chải nhỏ hoặc một cái lược răng dày thì phù hợp hơn với những giống mèo có lông dài. Loại lược răng khít còn rất hữu dụng trong việc kiểm tra xem mèo cưng có bị bọ chét hay không. Bạn có thể phải dùng thử một vài loại và sau đó mới tìm ra được công cụ phù hợp nhất để chải lông cho mèo yêu của mình. Hầu hết những người yêu mèo đều chuẩn bị sẵn nhiều loại lược khác nhau, phù hợp với nhiều loại mèo, trong bất cứ tình huống nào.

Cách chăm sóc Mèo con - P2 - cute sleeping kitten

* Tắm: Hầu hết mèo con không cần phải tắm trừ khi bạn thấy cần thiết phải tắm rửa sạch sẽ cho nó vì một lý do quan trọng nào đó. Bài viết Tắm Cho Mèo Yêu sẽ hướng dẫn bạn cụ thể những thứ cần chuẩn bị cũng như cách thức hợp lý để tắm cho mèo cưng của mình.

Chú ý: Những bé mèo con còn quá nhỏ rất dễ bị lạnh, vì vậy hãy thật cẩn thận trong việc giữ ấm cho chúng (sau khi tắm xong) đến khi toàn bộ cơ thể đã khô ráo.

* Đánh răng: Nếu bạn đã thường xuyên chăm sóc mèo con theo hướng dẫn, việc chăm sóc răng cho chúng hoàn toàn đơn giản. Bạn có thể mua loại bàn chải được thiết kế đặc biệt cho mèo tại những cơ sở thú y hoặc các cửa hàng đồ dành cho thú cưng và dùng kèm với kem làm sạch răng dành riêng cho mèo ít nhất hai lần một tuần. Một số loại kem đánh răng thậm chí còn có vị cá. Bạn có thể tìm đọc bài viết 10 Bước Chăm Sóc Răng Miệng Cho Mèođể biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này và các bước thực hiện.

* Chăm sóc móng: Những chú mèo con được hòa nhập xã hội đúng cách sẽ ngoan ngoãn hơn trong lúc bạn lại gần để cắt tỉa móng tay cho chúng. Hãy chắc chắn là bạn sử dụng những chiếc bấm móng tay đủ sắc. Dù kềm bấm móng tay của người cũng có thể dùng cho mèo cưng, nhưng lời khuyên là bạn nên mua riêng cho mèo những loại được bán ở những cửa hàng đồ cho thú cưng. Bạn chỉ cần bấm phần đầu móng nhỏ. Nhớ cẩn thận, đừng để cắt vào phần móng có màu hồng, bởi nó có thể khiến mèo con chảy máu. Tốt hơn hết là nên chuẩn bị sẵn một dụng cụ hỗ trợ cầm máu trong mỗi lần cắt tỉa móng cho mèo cưng.

Trong một năm đầu đời, mèo con sẽ phát triển mạnh mẽ các kỹ năng trưởng thành, đồng thời cũng đạt mức tăng trưởng thể chất tương đương với một người thiếu niên ở độ tuổi 15. Tất cả những kỹ năng chúng học trong khoảng thời gian này sẽ giúp mèo con tồn tại, ví dụ như: cách để đuổi bắt và vồ mồi, cách bảo vệ đồ ăn và ổ khỏi những kẻ thù hay làm thế nào để tự bảo vệ bản thân khỏi những cuộc tấn công. Phần lớn những chú mèo có các biểu hiện sai trái là do chúng hành động theo bản năng vốn có. Do vậy, tùy thuộc vào việc những người chủ định hướng lại các hành vi cho mèo con, chúng sẽ biết cách cư xử xã hội phù hợp hơn.

* Huấn luyện sử dụng thùng vệ sinh: Hầu hết mèo con sẽ nhanh chóng học được cách sử dụng thùng vệ sinh bởi bản năng của mèo vốn là giấu phân hoặc nước tiểu của mình. Bí quyết ở đây là hãy chuẩn bị cho chúng một chiếc thùng nhỏ, có lối vào thấp để chúng có thể ra vào dễ dàng. Trong vài ngày đầu, bạn hãy đặt mèo con vào trong thùng vệ sinh ngay sau khi nó ăn xong. Dùng tay của bạn cào, bới cát trong thùng một chút sẽ giúp mèo con hiểu được mục đích khi bạn đặt nó vào đấy. Nếu mèo con không ra khỏi thùng ngay, hãy tiếp tục quan sát nó. Nếu mèo con bắt đầu trèo ra khỏi thùng, hãy nhẹ nhàng nhấc nó lên và đặt lại vào trong thùng. Đừng bao giờ mạnh tay bỏ mèo con vào thùng vệ sinh, vì điều đó chỉ khiến chúng sợ hãi. Ngoài ra, bạn không nên đặt chiếc thùng ở ngay cạnh vị trí để đồ ăn cho mèo con. Bởi lẽ, ngay cả những chú mèo con cũng có bản năng biết là không nên bài tiết gần nơi để đồ ăn của mình. Và một vấn đề quan trọng là bạn cần thường xuyên vệ sinh chiếc thùng sạch sẽ.

Lưu ý quan trọng: Những thùng vệ sinh sử dụng loại cát vón cục rất nguy hiểm với mèo con. Bởi lẽ, những chú mèo con khá là tò mò và chúng sẽ ăn thử loại cát tìm được trong thùng xem có “hấp dẫn” hay không. Nếu mèo con ăn và tiêu hóa nhầm loại cát có nguồn gốc từ đất sét, chúng có nguy cơ mắc phải một số vấn đề nghiêm trọng về đường ruột, thậm chí có thể gây tử vong. Ở các cửa hàng đồ cho thú cưng, luôn có nhiều những loại cát an toàn hơn để bạn lựa chọn, do vậy, hãy chú ý vấn đề này.

Cách chăm sóc Mèo con - P2 - kitten scratch post

* Cào: Mèo con thường hay cào xước đồ nội thất và những tấm thảm. Đó là bản năng tự nhiên của loài mèo bởi chúng đang học cách “mài giũa” móng vuốt của mình như một dạng để tự vệ cho bản thân. May mắn là, nếu bạn chuẩn bị một khu vực riêng để chúng thoải mái mài móng, chúng sẽ không hứng thú với việc cào móng của mình vào nội thất hoặc rèm thảm của bạn nữa. Bạn hãy mua hoặc tự dựng một cái giá cứng rắn và bên ngoài nên cuốn những sợi thừng làm từ cây xiđan thì tốt hơn là trải thảm. Hướng dẫn mèo cưng của bạn cách cào móng trên đó và nếu bạn thấy chúng tiếp tục mài móng ở những vị trí không được phép, hãy nhẹ nhàng đặt nó vào khu vực bạn đã bố trí, chuẩn bị. Mèo con sẽ nhanh chóng hiểu được yêu cầu của bạn. Đừng quên khen mèo ngoan khi chúng biết tuân theo đúng chỉ dẫn của bạn.

* Cắn và nghịch ngợm quá khích: Cắn và những trò đùa nghịch mạnh mẽ khác chỉ là một dạng luyện tập rình và vồ mồi của mèo con. Nếu bạn đã huấn luyện mèo cưng không coi tay của mình như một món đồ chơi, bạn sẽ tránh được khá nhiều vấn đề khác. Nhưng kể cả khi đã được huấn luyện, mèo con vẫn muốn tấn công mắt cá chân hoặc tay của bạn, cần phải nhắc nhở chúng “Ngừng lại” và sau đó bạn đi ra xa. Hành động này của bạn sẽ giúp chúng hiểu rằng nếu còn tiếp tục cắn và cào, chúng chỉ mất đi bạn chơi của mình. Đừng giật tay ra xa, hành động này sẽ chỉ càng khuyến khích chúng tiếp tục trò chơi cào cắn bạn mà thôi. Thay vào đó, hãy đưa tay về phía nó và nhẹ nhàng rút lại. Nếu mèo con tiếp tục lao vào nghịch, hãy nói “Không” hoặc “Ngừng lại” một lần nữa, ngoài ra, lúc đó bạn cũng có thể xịt một chút nước với thái độ đùa vui, sẽ thu hút được sự chú ý của mèo yêu. Thực tế, nếu không quá cần thiết, thì không nên khiến mèo con bị ướt như vậy bởi vốn dĩ các chú mèo là không thích bị xịt nước và có thể phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Một lần nữa hãy bước ra xa khỏi bé mèo của bạn. Nó có lẽ sẽ nhìn bạn như thể “Mình đã làm gì sai chứ?”, nhưng cuối cùng chắc chắn sẽ hiểu được ý nghĩa hành động của bạn.

Giấc ngủ

Nếu đã từng chăm sóc trẻ con, bạn chắc chắn biết rõ việc phải thức dậy lúc 2 giờ sáng là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó cũng chẳng phải chuyện gì vui vẻ. Mèo con là những sinh vật với năng lượng dường như vô tận (gấp 2 lần so với mèo trưởng thành) và chúng dường như chẳng thể ngủ liên tục 8 tiếng mỗi đêm theo thời gian biểu của bạn. Mặc dù, bạn có thể muốn để mèo cưng bé nhỏ của mình ngủ trong phòng mình, nhưng chúng sẽ lớn dần lên, nghịch ngơm hơn, và bạn có thể sẽ thấy hối tiếc về việc đó. Trong vấn đề này, bạn có hai lựa chọn:

1. Ngay từ đầu, hãy tập cho mèo con ngủ ngoan trong ổ của mình tại một phòng khác trong nhà. Chỉ cần bạn đảm bảo thùng vệ sinh được đặt ở nơi thuận tiện để mèo con dễ ra vào.

2. Chuẩn bị sẵn tinh thần để quen với việc chơi đùa cùng mèo cưng trước khi đi ngủ. Việc này có thể sẽ làm giảm “nỗi kinh hoàng giữa đêm” với việc mèo con chạy nhảy tung tăng qua mặt bạn vào lúc 3 giờ sáng, nhưng không thực sự chắc chắn hiệu quả. Nếu tình trạng đó vẫn tiếp diễn, bạn có thể sẽ muốn tìm cho mèo con một bạn cùng chơi hoặc lựa chọn phương án 1.

Cho đến giờ, bạn đang đi trên con đường để có được niềm hạnh phúc. Một chú mèo con dễ thương, biết cư xử phù hợp, không chỉ là một thú cưng mà còn là một thành viên yêu quý của gia đình bạn. Bạn hoàn toàn có thể hy vọng tình cảm giữa bạn và mèo cưng sẽ được củng cố và phát triển, cũng như tận hưởng khoảng thời gian một năm đầu đời thú vị cùng chúng. Bởi lẽ, giống như những em bé của chúng ta, chẳng mấy chốc, mèo con cũng sẽ trưởng thành.

Nguồn: nanapet.com

Tìm bài này trên Google:

  • mèo con

Thảo luận cho bài: Cách chăm sóc Mèo con – P2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *