Cách chăm sóc Mèo con – P3

Ở phần 1, chúng ta đã cùng thảo luận về những chuẩn bị cho việc đón mèo con về nhà và giúp chúng hòa hợp với các thành viên khác trong gia đình, cũng như tiến hành bài kiểm tra thú y đầu đời thiết yếu của chúng.

Phần 2 đã đề cập những vấn đề cơ bản nhất cần chú ý trong quá trình chăm sóc mèo con. Và trong phần cuối cùng này, hãy cùng tìm hiểu những nhu cầu đặc biệt của mèo sơ sinh.

Cách chăm sóc Mèo con - P3 - cach cham soc meo con p3 500x313

Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản

Nuôi nấng một bé mèo con mới ra đời có thể coi là một trong những thử thách khó khăn và tốn thời gian nhất mà bạn từng phải đương đầu. Công việc này cũng có thể đồng thời mang lại cả những phần thưởng lớn lao lẫn những buồn lòng to lớn. Nếu không có đủ thời gian hoặc khả năng chịu đựng cảm xúc đau buồn khi phải đối mặt với việc mất đi bé mèo mình vừa mới dành rất nhiều yêu thương, bạn có lẽ muốn chuyển nhiệm vụ này cho một người khác, ai đó đã được đào tạo hoặc giàu kinh nghiệm. Những sinh mạng bé nhỏ dường như đang bị đặt cược trong tay bạn.

Vậy, nếu có ai đó đặt một chiếc hộp chứa vài bé mèo con mới sinh ở trong sân toà nhà của bạn, dù có hay không có mèo mẹ, bạn nên làm gì đây?

– Nếu mèo mẹ cũng ở đó cùng mấy nhóc mèo con và nó có vẻ khỏe mạnh, đó là một tin tức tốt lành. Mèo mẹ sẽ thực hiện rất nhiều trong việc chăm sóc con mình, và nhiệm vụ của bạn chỉ là đảm bảo sức khỏe cho mèo mẹ bằng cách sớm đưa nó đến cơ sở thú y kiểm tra. Và sau đó, mèo mẹ sẽ có thể tự chăm sóc con, cho lũ mèo con bú và giữ cho chúng luôn sạch sẽ.

– Nếu mèo con đã mất mẹ, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một vài phương pháp hữu ích để chăm sóc chúng.

Cách chăm sóc Mèo con - P3 - black and white cat cute hand kitten Favim.com 76308 large

Nhận biết độ tuổi của mèo con

Mèo con tăng trưởng rất nhanh chóng trong vòng 3 – 4 tháng đầu đời, do vậy, nhiệm vụ đầu tiên của bạn là cần phải xác định độ tuổi của chúng. Phương pháp của Jeri Dopp sẽ cung cấp cho bạn một vài gợi ý để nhanh chóng xác định được điều đó.

Bạn có thể ước chừng được độ tuổi của mèo con bằng cách xem xét một vài khía cạnh sau. Nếu mèo con vẫn còn dây rốn, chúng chắc chắn chỉ mới được khoảng 1 – 3 ngày tuổi. Nếu mèo con vẫn chưa mở mắt, chúng vào khoảng 1 – 10 ngày tuổi. Thông thường, tầm 10 ngày tuổi, mèo con sẽ mở mắt. Hãy thử kiểm tra miệng và xem răng của chúng. Bạn có nhìn thấy những đốm răng sữa trắng đang nhú lên không? Nếu có, nghĩa là chúng đã khoảng 2 tuần tuổi. Bạn thấy mèo con đang cố gắng để đứng lên, vậy có lẽ chúng được khoảng 2 – 3 tuần tuổi. Những chú mèo con đó đang bắt đầu đùa nghịch? Chúng chắc hẳn phải được 4 tuần tuổi.

Tiếp đó, bạn sẽ cần thu xếp một “chiếc ổ” cho những bé mèo con của mình. Bạn hãy lựa chọn một chiếc giỏ hoặc thậm chí chỉ cần một chiếc thùng các tông được lót khăn sạch sẽ. Nếu bạn vẫn đang nuôi những chú mèo khác trong nhà, mèo con nên được để ở riêng một căn phòng khác. Một điều cần chú ý là bạn nên tập thói quen rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc cho mèo con. Những bé mèo con có thể bị nhiễm bệnh, do đó, bạn không nên cho chúng sớm tiếp xúc với những chú mèo khác trong nhà. Ngoài ra, nếu đặt chúng ở những phòng nhỏ, như phòng tắm chẳng hạn, sẽ khiến mèo con an toàn hơn, và bạn cũng chăm sóc chúng dễ dàng hơn.

Những nhu cầu cơ bản của mèo sơ sinh

Giữ ấm

Một bé mèo con bị nhiễm lạnh có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong và đây được xem như một tình trạng khẩn cấp. Bạn có thể giữ ấm cho mèo con bằng cách đặt nó nằm áp sát vào da của bạn, hoặc sử dụng một miếng đệm sưởi, đặt chế độ thấp và quấn một chiếc khăn dày ở bên ngoài. Cần đảm bảo trong ổ của mèo con có những nơi không quá nóng để mèo con có thể dịch chuyển nếu nó cảm thấy chỗ mình đang nằm quá ấm. Việc cho một chú mèo đang bị lạnh ăn là một hành động sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy, hãy chờ cho tới khi thân nhiệt của chúng tăng lên, đạt tới mức bình thường là khoảng từ 35 – 37 độ C thì mới cho mèo con ăn. Nếu thân nhiệt của mèo con giảm xuống khoảng dưới 34,5 độ C, bạn phải làm ấm chúng dần dần để tránh việc chúng bị sốc. Cùng lúc đó, hãy cho chúng uống nước điện giải Pedialyte (cùng loại sản phẩm mà con người vẫn mua cho các em bé sử dụng), để bù nước cho mèo con và tránh tình trạng sốc.

Vấn đề dinh dưỡng

Bạn sẽ cần chuẩn bị sữa công thức thay thế cho mèo hoặc những dinh dưỡng tương đương, có bán sẵn ở những cửa hàng thú cưng và một dụng cụ để cho mèo con ăn (có thể là 1 chiếc bình, ống tiêm hoặc ống nhỏ mắt). Trên những hộp sữa sẽ có hướng dẫn sử dụng cụ thể về liều lượng cho mèo con ăn tùy theo cân nặng của chúng. Những bé mèo con thậm chí có thể cần ăn đến 12 bữa một ngày, vì vậy bạn hãy chuẩn bị tinh thần phải dậy cho nó ăn vào lúc 2 giờ sáng.

Vào khoảng 3 tuần tuổi gì đó, bạn có thể bắt đầu luyện cho những chú mèo con của mình tự ăn trong đĩa. Ban đầu, bạn hãy trộn cả thức ăn khô và đồ ăn đóng hộp với sữa công thức, ngoáy đều cho đến khi có được một hỗn hợp dung dịch đặc, hoặc cũng dùng máy xay sinh tố để nghiền hỗn hợp đó như thể đang làm món sữa lắc. Bạn có thể sẽ phải “nhử mồi” mèo con bằng cách đặt một chút hỗn hợp đó lên ngón tay của mình và quẹt vào miệng của mèo con, sau đó chỉ cho chúng đĩa đựng đồ ăn. Khi mèo con đã học được cách ăn và tỏ vẻ thưởng thức đĩa “cháo đặc” của mình, bạn có thể dần dần giảm lượng sữa công thức đi.

Cuối cùng, mèo cưng cũng có thể học cách ăn những loại thức ăn khô, cứng. Lý tưởng nhất thì bạn nên bắt đầu cho mèo con ăn loại đồ ăn ướt đóng hộp có thương hiệu uy tín. Với đồ ăn đóng hộp của mèo, những hộp chưa ăn hết nên được đậy cẩn thận và cho vào tủ lạnh ngay sau khi mở nắp. Lần tiếp theo bạn lấy cho mèo con ăn, hãy cho thức ăn vào lò vi sóng và hâm nóng trong khoảng 1 phút. Với phần thức ăn đã lấy ra đĩa nhưng mèo con không ăn hết, bạn nên bỏ đi sau khi mèo yêu đã no bụng, bởi thức ăn sẽ bị cứng rất nhanh. Do dạ dày của mèo con khá nhỏ, tốt nhất là bạn nên cho chúng ăn khoảng 4 – 5 bữa một ngày. Một vài người nuôi mèo đổ sẵn đồ ăn khô để chúng có thể ăn lúc nào tùy ý, và cho mèo ăn thêm đồ ăn ướt đóng hộp một tới hai lần một ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo mức độ dinh dưỡng tốt nhất cho mèo con, đồ ăn ướt đóng hộp là lựa chọn thích hợp hơn.

Ngoài ra, nhiều nhà lai tạo giống cũng cho những chú mèo con không tăng trưởng tốt sử dụng thêm một loại bánh có tên là Kitten Glop (một loại bánh với công thức đặc biệt, thường được nhiều nhà lai tạo giống mèo sử dụng để bổ sung dưỡng chất cho những bé mèo con mất mẹ, những chú mèo già hay những chú mèo suy dinh dưỡng). Tuy nhiên, không nên dùng nó để thay thế hoàn toàn thức ăn bình thường của mèo.

Cùng trong thời điểm mèo con bắt đầu tập tự ăn, chúng cũng học cách để tự uống nước trong đĩa của mình. Hãy đựng nước trong một chiếc bát sứ và đặt nó ở nơi mèo con có thể dễ dàng tìm thấy. Ban đầu, có lẽ bạn nên nhúng thử tay vào nước, vẩy vẩy vào mèo con để chúng biết đó là gì. Đừng ngạc nhiên nếu trong vài lần đầu tiên, mèo cưng làm tóe nước ra ngoài và nghịch nước trước khi hiểu cách thức uống nước bình thường nhé!

Nuôi dưỡng

Việc nuôi dưỡng bao gồm rất nhiều nhiệm vụ mà lẽ ra mèo mẹ sẽ thực hiện, kể cả việc tạo ra mối liên kết với mèo con

Bài tiết: Mèo sơ sinh cần được giúp đỡ trong việc kích thích ruột và thận để bài tiết. Mèo mẹ thường sẽ làm việc đó bằng cách liếm mèo con. Bạn cũng có thể giúp chúng bằng cách đặt mèo con lên đùi (đừng quên lót một miếng gạc sạch lên chân trước), sau đó dùng một chiếc khăn hoặc miếng gạc ẩm nhẹ nhàng lau rửa cho chúng. Cứ làm như vậy trên bụng và dưới mông của mèo con. Bạn nên thực hiện việc đó ngay sau mỗi bữa ăn của mèo con. Và chẳng mấy chốc, chúng có thể hoàn toàn tự bài tiết mà không cần bạn hỗ trợ.

Xoa bóp cho mèo con: Xoa bóp, vuốt ve nhẹ nhàng khắp cơ thể của mèo con, bắt đầu từ đầu của chúng, sau đó quanh khu vực má và cằm, xuống dần vai, tứ chi và cuối cùng là lưng và bụng. Xoa bóp là một cách rất tốt để tạo ra mối liên kết giữa bạn và mèo cưng, giúp nó dễ dàng thích nghi với gia đình mới hơn, nếu đây chính là ngôi nhà trong tương lai lâu dài của nó.

Chải chuốt lông: Mèo mẹ thường kết hợp việc xoa bóp và chải chuốt lông bằng cách dùng lưỡi liếm láp khắp toàn bộ cơ thể mèo con. Bạn có thể dùng một chiếc bàn chải mềm để chải lông cho mèo cưng – đây cũng là một cách khác để gia tăng tình cảm gắn kết của mèo yêu với bạn. Ngoài ra, nếu mèo con của bạn có bọ chét, hãy dùng một chiếc lược răng dày và nhẹ nhàng chải những con bọ ra.

Sử dụng thùng vệ sinh

Mèo con thường nắm bắt cách dùng thùng vệ sinh rất nhanh chóng. Trước tiên, dùng một chiếc thùng có lối vào thấp để huấn luyện mèo con. Bạn nên dùng loại cát viên nhỏ nhưng không nên chọn loại cát vón cục. Mèo con có thể sẽ ăn thử cát vệ sinh và loại cát này sẽ làm tổn thương ruột của chúng. Nếu thấy mèo con bắt đầu ăn cát, hãy nhấc nó ra và khoảng 15 phút sau mới đặt lại vào thùng. Dùng tay của bạn cào cào lớp cát để giúp mèo cưng hiểu chúng cần làm gì. Nếu bé mèo cứ nhảy ra ngoài, hãy kiên nhẫn đặt nó lại trong thùng một vài lần nữa, sau đó để kệ nó. Nếu mèo con đi bậy ra sàn, hãy lấy một chút phân của nó, đặt vào trong thùng để mèo hiểu mình nên đi vệ sinh ở đâu. Chẳng sớm thì muộn, mèo cưng của bạn cũng biết được điều nên làm với thùng vệ sinh, nhưng chắc chắn là chúng sẽ hiểu sớm thôi!

Đừng quên việc kiểm tra thú y

Mèo sơ sinh nên được bác sĩ thú y kiểm tra trong thời gian sớm nhất có thể. Những bé mèo hoang hoặc ko biết rõ nguồn gốc mèo bố mẹ có thể có bọ chét và các ký sinh trùng khác. Chúng cũng không có khả năng miễn dịch tự nhiên thông thường mà đáng lẽ được nhận qua việc bú sữa non từ mèo mẹ đã được tiêm phòng cẩn thận. Với những bé mèo con được chăm sóc cẩn thận, tới khoảng 6 – 8 tuần tuổi, chúng mới mất đi khả năng miễn dịch tự nhiên nhận từ mẹ đó và cần tiêm phòng mũi đầu tiên. Trong khi đó thì những chú mèo hoang hoặc bị bỏ rơi có thể không có khả năng miễn dịch từ lúc chúng mới chỉ 2 – 3 tuần tuổi nên có thể cần phải tiêm sớm hơn. Đương nhiên, với những bé mèo con bộc lộ các biểu hiện yếu ớt như thường xuyên bị lạnh, chảy nước mắt hay nước mũi, ngủ li bì hoặc chán ăn, bạn nên đưa chúng tới gặp bác sĩ thú y ngay lập tức.

Đây là phần cuối cùng trong chuỗi bài Cách Chăm Sóc Mèo Con. Các bài viết chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của việc chăm sóc, nuôi nấng những bé mèo sơ sinh, với hy vọng nếu ai đó muốn đảm nhận thử thách này sẽ có tài liệu để nghiên cứu kỹ càng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều các trang web, cũng như trong những bài nghiên cứu nhiều bài viết cùng chủ đề. Các bài viết đó đều được viết ra bởi những người vô cùng yêu thương và quan tâm tới mèo, những người luôn muốn đóng góp một phần công sức giúp đỡ những bé con đang bị bỏ rơi trên thế giới này.

Nguồn: nanapet.com

Thảo luận cho bài: Cách chăm sóc Mèo con – P3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *