Chế biến rơm bằng cách xử lý urê – vôi
Rơm lúa ở nước ta có khoảng 25 triệu tấn (tỷ lệ rơm/lúa quãng 0,8:1). Thành phần chủ yếu của rơm lúa là xơ (34%), tỷ lệ tiêu hoá thấp, nghèo dinh dưỡng (protein: 2 – 3%). Tuy nhiên rơm lúa chứa một năng lượng tiềm tàng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng rơm, người ta xử lý bằng nhiệt, áp suất cao hay các loại hoá chất (xút, axít, amoniac . . . ) nhưng các phương pháp này cần các thiết bị chuyên dùng nên khó áp dụng trong sản xuất. Hiện nay người ta thường xử lý rơm bằng urê.
Ở nước ta, Viện Chăn nuôi đã nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất phương pháp xử lý rơm bằng urê có bổ sung vôi tôi. Phương pháp này đơn giản, dễ áp dụng, rơm sau xử lý tăng tỷ lệ tiêu hoá 10 – 15% (tăng gần gấp đôi hàm lượng nitơ trong rơm). Mặt khác nhờ có vôi mà khả năng kiềm hoá được nâng cao và gia súc được bổ sung thêm canxi (loại khoáng thường thiếu trong rơm lúa).
Phương pháp chế biến
Tỷ lệ nguyên liệu
Rơm lúa (độ ẩm 12 – 14%): 100kg; urê: 2,5 – 4kg; vôi tôi: 0,5kg; muối ăn: 0,5kg; nước sạch: 70 – 80lít.
Hố ủ
Không nhất thiết phải ủ rơm theo nguyên tắc yếm khí như ủ chua, như vậy các phương tiện, dụng cụ cho ủ rơm cũng đơn giản, dễ kiếm và rẻ tiền, như:
Lợi dụng các góc tường, bể xây, ô chuồng trống… hố đất hay hố xây nửa nổi nửa chìm; dùng bao nilon, bao phân đạm, bao xác rắn… đánh thành cây rơm xung quanh có nilon bao kín và dùng dây buộc chặt.
Các bước tiến hành
Hoà tan urê, vôi tôi, muối trong nước theo tỷ lệ đã ghi ở trên;
Khối lượng rơm ủ tuỳ theo nhu cầu sử dụng cho gia súc và dụng cụ chứa đựng.
Dùng bình tưới nước và đảo đều rơm. Rơm sau khi tưới được cho vào túi nilon hay chất vào hố ủ.
Hoặc rải rơm thành lớp dày 20cm vào hố (bể) rồi dùng bình tư¬ới dung dịch trên vào rơm. Lần lượt tiến hành cho đến khi hết số rơm cần ủ. Sau đó buộc chặt miệng túi hay phủ kín bằng các vật liệu che phủ lên hố, có thể dùng gạch, ngói, củi cây chặn lên để đống rơm ủ luôn kín trong suốt thời gian ủ.
Lưu ý: Nơi ủ phải khô ráo, tránh nước mưa và nước từ nơi khác thấm vào.
Cách sử dụng
Thời gian ủ tuỳ nhiệt độ bên ngoài, nếu nhiệt độ không khí cao thì quá trình amoniac hoá xảy ra nhanh hơn, nếu nhiệt độ thấp thì quá trình đó ngược lại, thường là 10 – 20 ngày.
Rơm ủ đạt chất lượng tốt: màu vàng đậm, mùi urê, không có mùi nấm mốc, rơm ẩm và mềm.
Lấy rơm ủ cho gia súc ăn: chỉ nên lấy ra ở một góc (không lật toàn bộ lớp đệm lót che phủ) lấy rơm xong lại đậy tấm che lên cho kín.
Cho gia súc ăn tự do tuỳ khả năng của chúng. Lần đầu chưa quen nên có một vài con không ăn, ta nên phơi rơm đã chế biến trong bóng mát khoảng 30 – 40 phút để bay bớt mùi urê. Trước khi cho ăn: rắc một ít cỏ xanh lên trên để chúng ăn và dễ quen với múi urê trong rơm ủ.
Bò đang vắt sữa: có thể thay thế cỏ xanh bằng rơm ủ đến 20% khẩu phần mà năng suất sữa vẫn được giữ nguyên.
Chú ý : Khi cho trâu bò ăn rơm ủ với urê, phải cho chúng đủ nước uống.
Nguồn: 2lua.vn