Khi nhiệt độ cao, vật nuôi ăn kém, uống nhiều nước, bức xạ nhiệt lớn; sức đề kháng, khả năng sản xuất của vật nuôi giảm mạnh và dễ mắc các bệnh như: Cảm nắng, Cảm nóng, Tụ huyết trùng ở trâu bò, lợn; bệnh Tai xanh, Tiêu chảy; bệnh Dại ở chó, mèo; bệnh tụ huyết trùng, bệnh hen khẹt, Cầu trùng, Cúm gia cầm,… phát sinh và lây lan, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa hè, người chăn nuôi nên thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đối với gia súc (trâu, bò, lợn, dê…):
– Chuồng trại cần phải thoáng mát, mái chuồng nên lợp bằng ngói hoặc mái lá, xung quanh chuồng có cây che bóng mát…
– Thức ăn, nước uống: cho ăn đủ no thức ăn thô xanh và thức ăn tinh. Cung cấp đủ nước mát và sạch, hàng ngày bổ sung muối ăn cho gia súc (trâu bò 20 gam/ngày), bổ sung các chất điện giải, giúp gia súc giảm nhiệt cơ thể đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh cho gia súc.
– Chăm sóc: cần có chế độ quản lý gia súc hợp lý. Đối với trâu, bò không làm việc ngoài trời nắng nóng; buổi sáng nên đi chăn thả sớm từ 6 – 9 giờ, buổi chiều chăn thả muộn từ 4 – 6 giờ mới đưa trâu bò về chuồng; Nên buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi; Tắm chải cho trâu bò 1-2 lần/ngày.
– Vận chuyển gia súc: tốt nhất vào lúc trời mát, tránh vận chuyển ban ngày lúc trời nắng nóng, thành thùng xe làm chấn song để tăng độ thông thoáng, có mái che, có thể thêm đá lạnh vào thùng xe để làm mát gia súc khi vận chuyển.
* Triệu chứng và cách xử lý khi gia súc bị bệnh cảm nóng, cảm nắng:
+ Triệu chứng: Thường những gia súc đang ở ngoài trời nắng nóng thấy chân đi lảo đảo, tỏ ra mệt mỏi, nhịp thở không đều, gia súc bị choáng váng và bị ngã, kiểm tra thân nhiệt tăng cao 40 – 41 0C, tim đập nhanh, đồng tử mắt dãn, lúc này gia súc khó thở, vành mũi bành ra, tĩnh mạch cổ nổi rõ, niêm mạc tím tái. Không xử lý kịp thời gia súc sẽ co giật, hôn mê, sùi bọt mép, có khi trào máu ra ở mũi, mồm và chết. Thời gian biểu hiện các triệu chứng trên khoảng từ 30 phút đến 1 giờ.
+ Biện pháp sơ cứu, xử lý khi gia súc bị bệnh cảm nắng, cảm nóng: Nhanh chóng đưa gia súc vào chỗ mát, thoáng hoặc che bóng mát cho gia súc. Dùng nước mát (có đá lạnh càng tốt) dội nhiều lần lên toàn thân gia súc, dội vào vùng đầu trước. Tiêm thuốc hạ sốt (Analgine 7 – 10ml/kg thể trọng) hoặc uống thuốc hạ sốt (Paracetamol 20mg/kg thể trọng). Đồng thời tiêm thuốc trợ sức, trợ lực: đường Glucoza, Vitamin C, Cafein. Để gia súc nghỉ ngơi, không làm việc từ 3 – 4 ngày.
2. Đối với gia cầm:
– Chuồng trại: Mái của chuồng nên lợp bằng ngói, tranh hoặc lá cây. Trên mái, thường được làm lạnh bằng cách bơm nước phun sương. Xung quanh chuồng đan phên thưa hoặc dùng lưới B40 và có thể phải dùng quạt để tạo độ thông thoáng trong chuồng; Xung quanh chuồng trồng cây bóng mát, để hạ bớt nhiệt khu vực chuồng nuôi gia cầm.
– Chăm sóc, nuôi dưỡng: Cung cấp nhiều nước mát và sạch (nước mát sẽ giúp gia cầm giảm được nhiệt độ cơ thể), tăng nhiều máng uống để gia cầm uống được nhiều nước. Bể nước và đường ống dẫn được che mát để giữ nước uống luôn mát. Nhốt gia cầm với mật độ vừa phải, nếu quá nóng có thể giảm mật độ nuôi; thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng.
– Thức ăn: Thời tiết nắng nóng sẽ làm gia cầm giảm ăn, nên giảm lượng thức ăn ban ngày và tăng lượng thức ăn vào ban đêm. Đối với gia cầm đẻ trứng nên cho ăn thêm canxi để duy trì sản lượng trứng và chất lượng vỏ trứng.
Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, đặc biệt là chất điện giải, Vitamin C, gia cầm phải phòng bệnh đầy đủ bằng các loại vắc xin theo quy trình: Đối với vịt sử dụng vắc xin dịch tả vịt, viêm gan siêu vi trùng, cúm. Đối với gà sử dụng vắc xin bệnh Niu-cát-xơn (bệnh gà rù), hen suyễn (CRD), Gumboro, cúm,… để tăng khả năng miễn dịch cho gia cầm.
Sử dụng một số kháng sinh phòng các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng: Ampicolistin (phòng bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy), Anticoc (phòng bệnh cầu trùng gà)… Lưu ý: ngừng sử dụng thuốc trước khi giết thịt từ 7 – 15 ngày tùy loại thuốc.
– Hạn chế vận chuyển gia cầm trong thời gian này. Nếu vận chuyển gia cầm giống phải vận chuyển vào ban đêm và thùng xe phải có sự thông thoáng.
Ngoài ra: người chăn nuôi cần phải giám sát, theo dõi thường xuyên các biểu hiện khác thường của gia súc, gia cầm; nếu nghi các bệnh nguy hiểm (Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng, dịch tả, dại chó…) báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền cấp xã. Phối hợp tốt với thú y cơ sở để tổ chức các đợt tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt kết quả cao; trong đó chú trọng tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Nguồn: sưu tầm