Nội dung chính
Bệnh lúa von còn gọi là bệnh mạ đực, bệnh thối gốc (Foot-rot), hay bệnh vươn lóng (elongation disease). Tiếng Nhật gọi là bệnh bakanae. Do nấm Fusarium moniliforme-Gibberella fujikuroi.
Bệnh có thể xuất hiện và gây hại từ khi cây lúa còn ở giai đoạn mạ cho đến lúc thu họach.
Bệnh thường phát sinh vào những năm có thời tiết ấm áp, ẩm độ cao và ánh sáng yếu. Nấm bệnh có thể phát triển được ở nhiệt độ 10-370C (thích hợp nhất là từ 24-320C).
Bón phân đạm quá cao tạo điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển. Bệnh còn có thể lây truyền qua không khí, gió hoặc nước, qua tàn dư của cây bị bệnh vụ trước (rơm rạ), nhưng chủ yếu là qua hạt giống, vì thế muốn hạn chế bệnh rất cần phải xử lý hạt giống trước khi gieo hạt. Các bộ phận ở phía dưới của cây như rễ, gốc thân dễ bị nhiễm bệnh hơn các bộ phận ở phía trên của cây như bẹ lá, đốt thân. Thực tế đồng ruộng cho thấy ở giai đoạn mạ và thời kỳ đón đòng, thường bị nhiễm bệnh mạnh nhất.
Nghiên cứu mới về thực vật học, một số nhà khoa học cho rằng có sự tham gia của 2 chất kích thích tố gibberelin (GA3) và acid fusaric (C10H13NO2). Chính kích thích tố gibberrelin gây nên sự vươn lóng và acid fusaric gây nên sự còi cọc.
Ở Nhật, các nhà khoa học đã phát hiện bệnh lúa von trong nhiều loại cỏ họ hòa bản (chẳng hạn Panicum miliaceum L.), trên lúa mạch, bắp, lúa miến và mía đường. Các loài ký chủ phụ của nấm bệnh bao gồm cà chua, chuối, đậu đũa.v.v…
1. Triệu chứng
Triệu chứng chung nhất của cây bị bệnh lúa von là cây phát triển cao vọt, mảnh khảnh. Lá lúa từ màu xanh lục chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua, cứng giòn và chết nhanh chóng.
Lóng thân cây bệnh phát triển dài ra, thường mọc nhiều rễ phụ ở đốt (rễ gió) và có thể thấy lớp phấn trắng phớt hồng bao quanh đốt thân và vị trí xung quanh đốt thân.
Nếu bị nhiễm muộn, lá bị khô, giảm số chồi. Nếu nhiễm vào giai đoạn trước khi đâm chồi, cây mạ bị chết khô. Trường hợp sống sót, trỗ bông với toàn hạt lép hoặc lững. Chính những hạt lép lửng này, mang mầm bệnh. Vỏ hạt màu xám, nếu thời tiết ẩm ướt, trên vỏ hạt có thể xuất hiện lớp phấn trắng phớt hồng. Nếu thời tiết khô, trên đốt thân và vỏ hạt có nhiều chấm nhỏ li ti màu xanh đen.
2. Mô tả nấm bệnh
Nấm bệnh có cả hai loại cuống bào tử đính nhỏ và lớn. Sợi nấm phân cành và chia thành ngăn. Mầm bệnh sản sinh nang bào tử, được hình thành trong một túi, gọi là túi nang. Nang chứa trong các thể quả, gọi là thể quả túi hay thể quả bào tử được xem như là các thể quả dạng chai.
Các thể quả dạng chai này có màu xanh sậm và đo được từ 250-330 x 220-280 µm (micrometre, hệ đo lường Quốc tế, một khoảng cách bằng một phần triệu mét). Chúng có hình cầu hay bầu dục, hơi xù xì. Nang có hình trụ, dạng pít-tông, phía trên dẹp và kích thước từ 90-102 x 7-9 µm. Nang chứa từ 4 – 6 bào tử, có khi 8. Các bào tử thường có một vách ngăn và kích thước khoảng 15 x 5,2 µm, thỉnh thoảng lớn hơn từ 27 – 45 x 6 – 7 µm.
Cuống bào tử đỉnh có dạng bột trắng có thể nhìn thấy ở gốc hoặc phần dưới của các cây bệnh. Nếu nhìn qua kính hiển vi, các hạt bị nhiễm bệnh có những thể sợi nấm phủ long tơ mịn, trắng bao phủ toàn bộ hạt. Về sau phát triền thành dạng bột do sự hình thành bào tử đính.
Không phải tất cả cây mạ bị nhiễm biểu thị cùng triệu chứng nói trên, thỉnh thoảng chúng biểu hiện còi cọc hoặc khó phát hiện.
3. Một số biện pháp phòng trị cấp thời.
Không sử dụng hạt lúa ở những ruộng đã bị bệnh làm giống cho vụ sau.
Sử dụng giống lúa xác nhận, mua ở các Trung tâm, Viện, Trường, Trạm, Trại hoặc những nơi sản xuất giống có uy tín. Hạt giống xác nhận phải đạt tiêu chuẩn: Không chứa quá 10 hạt cỏ dại trong 1 kg hạt giống;
Đối với lúa cấy, khi nhổ mạ cần chú ý tránh làm đứt chồi, rễ, tránh dập nát cây mạ, để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh vào bên trong cây.
Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện và nhổ bỏ kịp thời những cây bị bệnh, đem ra khỏi ruộng tiêu hủy.
Bố trí mùa vụ hợp lý, sạ thưa, bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali để cây sinh trưởng, phát triển tốt, làm giảm bớt sự nhiễm bệnh của cây.
Bệnh chủ yếu lây qua hạt giống và lưu tồn trong đất. chính vì thế, 2 biện pháp được đề xuất trong phòng trừ là xử lý hạt giống và đất trước khi gieo sạ.
4. Xử lý hạt giống
Loại bỏ toàn bộ hạt lép lửng, hạt cỏ trong nguồn giống gieo sạ.
Trước khi ngâm ủ, cần sàng sảy lại để loại bỏ hạt cỏ hoặc đãi trong nước nhiều lần để loại hạt cỏ và những hạt lúa lép, lửng. Nếu số hạt cỏ hơi nhiều >10 hạt/kg hạt giống thì nên tiến hành đãi bằng dung dịch nước muối 15%
a. Dùng dung dịch nước muối tỷ trọng = 1,13
Lúa giống ngâm nước sạch từ 24-36 giờ. Lúc này, lúa đã no nước, nhưng hạt cỏ và hạt lửng thì chưa. Chính những hạt này, mang mầm bệnh. Do đặc điểm của hạt cỏ và lửng có lớp vỏ kitin, chậm hút nước hơn lúa. Biện pháp ngâm nước, chỉ đãi hạt lép. Muốn loại bỏ hạt cỏ và lửng, phải ngâm tiếp trong dung dịch nước muối 15%. Cách pha dung dịch muối nồng độ 15% : Cho 150gram muối ăn (NaCl) hòa tan trong 1 lít nước. 1 kg lúa giống, cần 3 lít dung dịch nước muối. Ngâm trong 10 – 15 phút. Sau đó đem lúa giống đãi với nước sạch nhiều lần (cho hết muối) mới đem đi ủ.
Sau mỗi lần xử lý, cần thêm 5% tổng lượng muối đã hòa để làm tiếp (Có thể thử bằng cách thả 1 quả trứng gà mới đẻ vào, nếu quả trứng nổi lập lờ là đạt yêu cầu, nếu trứng nổi hẳn thì tỷ trọng quá cao cần thêm nước, nếu quả trứng chìm trong nước là thiếu muối cần thêm muối).
b. Dùng hóa chất
Ở Việt Nam, khuyến cáo xử lý hạt giống bằng các loại hóa chất sau đây có tác dụng ngăn chận bệnh lúa von và một số bệnh khác lây qua hạt như tiêm lửa, bệnh nấm hạch nhỏ…
Dùng VICARBEN 50HP: Ngâm hạt giống cho vừa nhú mộng, cho vào nước thuốc theo tỷ lệ 0,1%. Ngâm trong 2 giờ, vớt ra tiếp tục ngâm ủ cho đến khi gieo được. Hoặc xử lý khô ở tỷ lệ 0,5 – 1% theo trọng lượng hạt. Sau đó tiến hành ngâm ủ như bình thường.
Carban 50SC , pha 3 ml / 1 lít nước, ngâm cho 1 kg lúa giống trong khoảng 24 giờ.
Ở những ruộng sản xuất giống, đặc biệt trên giống Jasmine, khi lúa đã nhiễm bệnh, có thể khống chế bằng cách:
* Phun Vicarben 50HP. Phun 2 lần, lúc lúa trỗ và lúc vào chắc. Liều lượng 30/00. Nên phun vào chiều mát.
* Xử lý Carban 50SC, liều lượng 1lít/ha. Nên phun vào chiều mát. Carban 50SC không chỉ loại trừ được nấm gây bệnh lúa von mà còn hạn chế nấm gây bệnh lem lép hạt.
Nguồn: 2lua.vn