Để có một khu vườn xanh mát với cây trồng ban công không phải điều dễ dàng. Hơn thế, việc chăm sóc cho chúng giữ mãi màu xanh lại càng khó khăn hơn. Với những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ trong bài viết dưới đây hi vọng sẽ giúp ích được các bạn phần nào.
So với sân, vườn thì cây trồng ban công thường được đặt trong chậu nên sẽ có nhiều lợi thế để chăm sóc hơn việc trồng trực tiếp dưới đất bởi vì chúng ta sẽ dễ dàng di chuyển chúng. Bên cạnh công việc chọn đất, chọn chậu trồng và giống cây thì khi chăm sóc, chúng ta cần lưu ý những công đoạn sau:
Nội dung chính
1. Ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố quan trọng không chỉ đối với cây trồng ban công mà cả con người và vạn vật. Ánh sáng cung cấp năng lượng cho cây tiến hành quang hợp, qua đó ảnh hưởng đến việc tổng hợp các chất hữu cơ. Ánh sáng có ảnh hưởng nhất định đến hình thái và cấu tạo của cây. Tuy nhiên, nhu cầu ánh sáng đối với mỗi loại cây trồng lại không giống nhau. Do đó, mới có các nhóm cây ưa bóng, ưa sáng và chịu bóng.
Chúng ta cần dựa và đặc trưng riêng của từng loại cây trồng ban công để bố trí, “điều chỉnh” nguồn sáng cho thích hợp. Với cây ưa bóng, chúng cần được ở trong bóng râm hoặc dưới mái che trong khoảng thời gian từ 10 – 16h. Với cây ưa sáng như dừa cạn, dạ yến thảo, cúc nữ hoàng, … thì ngược lại. Chúng đòi hỏi những nơi thoáng đãng để hứng được lượng ánh sáng tối đa.
Dựa vào yêu cầu đó mà cây trồng ban công thường được bố trí, sắp xếp dạng tháp hoặc xen kẽ nhau để đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho tất cả các cây.
2. Nước tưới
Nước có vai trò giúp cây trồng ban công vận chuyển các khoáng chất trong đất phục vụ quá trình quang hợp và sinh trưởng của cây. Song, cũng giống như ánh sáng, cây có loại cần nhiều nước (một ngày cần tưới 1-2 lần) nhưng cũng có cây có khả năng chịu hạn tốt (1 tuần tưới 1 – 2 lần). Do đó, phụ thuộc vào nhu cầu nước của cây mà chúng ta có kế hoạch tưới tiêu phù hợp.
Cây khô, lá héo là biểu hiện của cây trồng bị thiếu nước. Khi ấy, lá cây đang thẳng bắt đầu cong xuống, héo lại và khô dần, lâu ngày dẫn đến chết. Do đó, chúng ta cần chăm sóc cây thường xuyên bằng cách bổ sung đủ nước hàng ngày cho cây. Ngoài việc quan sát sự phát triển của lá cây, bạn có thể kiểm tra độ ẩm đất bằng cách ấn ngón tay vào sâu lòng đất khoảng vài cm xem chúng có bị khô không nhé!
Khi tưới nước cho cây, chúng ta cần lưu ý tưới vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn. Không tưới nước cho cây vào giữa trưa nắng vì hơi nóng sẽ khiến nước bay hơi trước khi ngấm vào rễ. Thêm nữa, ánh nắng mặt trời có thể thiêu đốt những giọt nước trên lá khiến cây bị nóng bỏng.
Thêm một lưu ý nữa với cây trồng ban công là chúng ta nên sử dụng bình tưới hoa sen để đảm bảo nước được tưới với mức độ đều, vừa phải không rửa trôi các chất dinh dưỡng và không khiến hoa lá bị dập nát.
>>> Đọc ngay: 8 mẫu thiết kế vườn ban công nổi bật nhất năm 2018
3. Phân bón
Phân bón là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng nói chung và cây trồng ban công nói riêng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Tuy nhiên, bón phân cũng phải có những thời điểm nhất định và đúng cách để đảm bảo cây luôn xanh tốt và ra hoa, kết quả. Lạm dụng phân bón cũng khiến cây héo úa thậm chí chết.
Phân bón thường chứa ba chất cơ bản là N, P và K tương ứng với ni tơ cần cho cành, lá; phốt pho cần cho rễ và ka li cần cho hoa. Tuỳ vào mục đích mà chúng ta chọn tỉ lệ thành phần thích hợp. Cây trồng ban công nên được bón phân nhiều lần nhưng lượng không nhiều và đặc. Trong thời kì cây con xúc tiến tăng trưởng và thời kì ra hoa cần bón nhiều. Mùa xuân và mùa hè cây sinh trưởng nên cần cung cấp nhiều hơn. Mùa thu và mùa đông lượng bón ít hoặc có thể không cần.
>>> Có thể bạn muốn xem thêm các kĩ thuật về chăm sóc hoa ban công
4. Cắt, tỉa cành
Trong quá trình sinh trưởng của cây chúng ta cần thường xuyên cắt tỉa cành với mục đích loại bỏ sâu bệnh hoặc tỉa bớt cành phụ để cành chính có đủ dinh dưỡng. Việc cắt tỉa cành còn phục vụ cho công việc làm đẹp của một số người bởi họ thích tạo dáng, uốn thế cho cây. Việc làm này là cần thiết, duy chỉ lưu ý đừng làm “quá” mà ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây.
>>> Xem hướng dẫn chi tiết bấm ngọn, tỉa cành cho cây tại đây.
Với những kinh nghiệm quý báu trên đây hi vọng các bạn lưu giữ được cho riêng mình một vài thủ thuật chăm sóc cây trồng ban công. Áp dụng được những điều đó, vườn ban công nhà bạn không chỉ luôn xanh tươi mà còn có tác dụng điều hoà không khí hiệu quả.
Chúc bạn luôn vui với công việc chăm sóc cây cối hàng ngày!