Nội dung chính
Được sản xuất theo quy trình VietGAP, chế biến theo phương thức dân gian, chè bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang) đã và đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, và người trồng chè đang rất tự tin hội nhập TTP.
Sản xuất chè theo quy trình VietGAP
Những năm gần đây, Yên Thế không chỉ nổi tiếng với sản phẩm gà đồi, mà còn được nhiều người biết đến với đặc sản chè bản Ven. Đây là sản phẩm được sản xuất và chế biến theo phương thức dân gian, rất công phu, nên có chất lượng rất thơm ngon. Ông Lưu Xuân Vượng – Bí thư Huyện ủy Yên Thế cho biết, nghề trồng chè xanh ở bản Ven đã được đồng bào người Cao Lan duy trì hàng chục năm nay, nhưng nó mới thực sự được chú ý khoảng những năm 1980 trở lại đây. Tuy nhiên, do sự kinh doanh kém hiệu quả của các nông trường quốc doanh, dẫn đến giải thể, nghề trồng chè đã có một thời gian dài mai một.
Chè không chỉ là cây thoát nghèo mà còn là cây làm giàu của người dân Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Việt Tùng
“Chè là 1 trong 6 cây, con được huyện lựa chọn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Do đó chúng tôi đã xây dựng đề án phát triển cây chè giai đoạn 2011 – 2015, theo đó huyện đã trồng mới được khoảng 120ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên hơn 488ha, sản lượng đạt 3.960 tấn, giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của người dân và từng bước giúp các xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới” – ông Vượng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Thế, để thực hiện đề án, huyện đã có rất nhiều chính sách “kích cầu”, như hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với các hộ trồng mới và 5 triệu đồng/ha đối với hộ cải tạo nương chè già cỗi. Để đề án có hiệu quả, đưa cây chè thực sự trở thành cây hàng hóa, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như quy trình VietGAP, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, kết hợp với kỹ thuật hái, sao, vo chè, ướp lấy hương của đồng bào người Cao Lan. Do đó chè bản Ven nước rất xanh, được nước, có mùi thơm đặc trưng, uống đậm, vị ngọt, nên đã thuyết phục được những khách hàng khó tính.
Hầu hết các hộ ở đây đều trồng chè, hộ ít thì 1 – 2 mẫu, nhiều thì 5 – 6 mẫu. Nhờ có chè mà nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu như hộ bà Hứa Thị Xuyên, ông Hoàng Văn Hà… Ông Hà tâm sự: “Gia đình tôi đã gắn bó với cây chè hàng chục năm nay, nhưng trước đây đầu ra kém, do chè chưa có thương hiệu. Khoảng 5 năm trở lại đây, chè dần có thương hiệu, đặc biệt là khi sản xuất theo quy trình VietGAP giá đã tăng lên gấp đôi trước đây”.
Chia sẻ về những ngày đầu đưa quy trình VietGAP vào sản xuất, bà Xuân cho hay: “Lúc đầu đưa quy trình VietGAP vào sản xuất, một số bà con không hợp tác, nhưng khi thấy được lợi ích của quy trình này thì ai cũng hăng say. Mỗi nương chè đều được ghi đầy đủ họ tên chủ hộ và diện tích sản xuất, cũng như thời gian bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… do đó chè được sản xuất ra rất sạch”.
Xây dựng thương hiệu độc quyền
“Chè cho thu nhập cao phải từ năm thứ 6 trở đi, tán càng rộng, búp càng nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi không tham búp mà bón phân bừa bãi, ngược lại chỉ bón một lượng vừa đủ, như vậy búp chè mới có nhiều dưỡng chất. Chúng tôi thường hái chè từ sáng sớm, khi mặt trời lên bằng ngọn sào thì dừng. Chè hái về được đổ ra nong cho ráo nước, rồi mới sao. Chúng tôi có bí quyết lấy hương riêng, nên chè bản Ven bao giờ nước cũng xanh và ngon hơn chè ở các vùng lân cận” – bà Xuyên cho hay.Từ chỗ chè chủ yếu được trồng ở bản Ven, do hiệu quả kinh tế cao, huyện đã nhân rộng ra 7 xã lân cận (Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Tam Tiến, Hồng Kỳ, Đồng Tâm, Phồn Xương) với hàng trăm hộ tham gia trồng. Theo nhẩm tính của bà Hứa Thị Xuyên, chè trồng khoảng 2 – 3 năm cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 6 tấn/ha chè tươi, trừ chi phí lãi khoảng 80 – 100 triệu đồng/ha/năm, những hộ sản xuất tốt chè có chất lượng, giá trị lên đến hàng triệu đồng/ha/năm.
Năm 2014, những người trồng chè ở đây đã quyết định liên kết lại thành lập HTX Thân Trường tính chuyện làm ăn lớn. Điều đáng mừng là cuối năm 2014, chè bản Ven đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, có thương hiệu, việc phát triển và gìn giữ thương hiệu còn khó hơn gấp bội. “Do đó, bà con cần phải xem việc sản xuất chè chất lượng, an toàn, “sạch” thuốc bảo vệ thực vật… là yếu tố sống còn của chè bản Ven. Nếu có sản phẩm tốt, liên kết tốt, phân phối tốt, quảng bá tốt thì người dân hoàn toàn có thể hội nhập với TTP” – ông Vượng nói.
Chia sẻ về bí quyết cũng như dự định trong tương lai, ông Phan Tuấn Anh – Giám đốc sản xuất HTX Thân Trường cho hay: “Chúng tôi cam kết 3 không với người tiêu dùng rằng chè bản Ven không sử dụng chất bảo quản, chất hóa học và thứ ba là nước chè luôn giữ màu xanh và không đổi màu”.
Nguồn: danviet.vn