Chúng ta đã nghe nhiều đến kĩ thuật, cách chăm sóc hoa kiểng khoa học, vậy còn những sai lầm thường gặp trong cách chăm sóc hoa kiểng thì sao? Hãy điểm qua xem mình có phạm phải lối mòn nào không nhé!
Nội dung chính
Không nghiên cứu kỹ đặc tính của cây
Trong cách chăm sóc hoa kiểng, việc không nghiên cứu kỹ đặc tính của cây là một trong những sai lầm phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu gây chết, hỏng cây. Bạn nên nhớ, mỗi loài thực vật chỉ thích nghi với một điều kiện chăm sóc thích hợp, nó bao gồm chế độ ánh sáng, nguồn dinh dưỡng, loại đất trồng, nhu cầu nước, mùa vụ trồng, thu hoạch, các loại sâu bệnh thường gặp, chế độ cắt tỉa, ưu điểm và hạn chế…. Nếu không nắm rõ tất cả những điều này, bạn sẽ dễ dàng đánh đồng chúng, dẫn đến việc chăm sóc sai cách. Ví dụ: cây ưa bóng lại trồng ở nơi giàu ánh sáng, cây thân leo lại trồng trong chậu đặt dưới mặt đất; cây ưa ẩm lại không thường xuyên tưới tắm….vv… và hệ lụy của vấn đề này, hẳn bạn là người hiểu rõ nhất.
Chọn chậu và đặt cây ở những vị trí không phù hợp
Việc chọn chậu, đặt cây ở những vị trí không phù hợp cũng là một vấn đề bất cập trong cách chăm sóc hoa kiểng. Hãy tưởng tượng nhé, sẽ ra sao nếu cây thân leo trồng chính giữa ban công?, cây thân bò lại trồng dưới chân lan can và cây ưa bóng như loài hồng môn lại treo lơ lửng ở nơi giàu ánh sáng? Cách bố trí bất hợp lý này không chỉ ảnh hưởng vẻ đẹp bên ngoài của khuôn viên nhà ở mà còn ảnh hưởng đến sự sống còn của các loài hoa kiểng nữa đấy!
Vậy làm thế nào để bạn hoàn thành tốt khâu chọn chậu và đặt cây? Ngoài hiểu đặc tính sinh học của cây, bạn còn phải có con mắt thẩm mỹ. Với những cây thân leo lâu năm, vị trí phù hợp là trồng ở góc: góc ban công, góc cổng nhà, góc hiên nhà… Với cây thân bụi, thân rủ, bạn nên treo cao thay vì đặt chúng là đà mặt đất vì nếu vậy sẽ làm mất đi vẻ mềm mại, thanh tú của bộ hoa. Với cây thân cỏ, bạn có thể đặt dọc lan can ban công hoặc xếp chúng thành khu vườn đứng, trông sẽ rất gọn gàng và đẹp mắt.
Rập khuôn cách chăm sóc hoa kiểng trong mọi giai đoạn
Trong cách chăm sóc hoa kiểng, chúng ta không thể rập khuôn một phương thức cho mọi giai đoạn phát triển của cây vì rõ ràng, nhu cầu của cây ở mỗi giai đoạn khác nhau là không giống nhau. Ví dụ, vào giai đoạn sinh trưởng, để tập trung phát triển bộ lá, ta cần năng tưới nước, đảm bảo chế độ ánh sáng và bổ sung phân hữu cơ giàu đạm. Tuy nhiên đến giai đoạn sinh sản (ra hoa), chúng ta lại phải điều chỉnh phân bón, tăng hàm lượng phôt pho, giảm bớt lượng ánh sáng hằng ngày đồng thời tiến hành siết nước để thúc hoa nở đều, to và đồng loạt. Nếu bạn áp dụng cách chăm sóc như nhau ở tất cả các giai đoạn, tất nhiên cây sẽ không chết nhưng ngược lại, bộ lá sẽ phát triển quá mức mà hoa lại chẳng đậu là bao, đó quả là một kết quả không mong đợi khi trồng và chăm sóc cây cảnh phải không nào?
>>> Tham khảo thêm: 6 bí kíp trồng và chăm sóc cây cảnh cho nhà phố
Sâu bệnh chờ đến khi xuất hiện mới diệt trừ
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong cách chăm sóc hoa kiểng, đừng chờ đến khi cây xuất hiện nấm, sâu bệnh mới lên phương án diệt trừ bởi điều này vừa làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây, vừa gây tốn kém về mặt kinh tế. Vậy giải pháp dành cho bạn là gì?
Thay vì mất bò mới lo làm chuồng, hãy lên kế hoạch phòng ngừa sâu bệnh cho từng loại hoa kiểng dựa theo đặc tính sinh học của chúng. Đầu tiên chúng ta cần chú ý làm đất thật kĩ để bài trừ mầm bệnh, chú ý đến những loại bệnh thường gặp ở cây và tìm cách phòng ngừa. Ngoài ra để giảm thiểu nguy cơ phát tán bệnh, hãy chú ý đến mật độ cây, thường xuyên cắt tỉa cành phụ, cành hư hỏng và cắt bỏ, làm gọn tán cây sau mỗi vụ hoa.
Trên đây là 4 sai lầm thường gặp trong cách chăm sóc hoa kiểng. Bạn có phạm phải sai lầm nào không? Hãy điều chỉnh ngay hôm nay để có được vườn cây cảnh đẹp như ý nhé! Chúc bạn thành công và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết! Trân trọng!