Ngày nay, vịt cổ cò không chỉ được biết đến với những món ăn bổ dưỡng của dân vùng quê, mà chúng đang là trợ thủ đắc lực trong việc trừ rầy tại vựa lúa Bạc Liêu…
Tại các đồng đất ở Bạc Liêu nuôi vịt cổ cò để diệt sâu rầy đang là xu thế
Không quá khi nói cánh đồng chó ngáp chính là vùng đất khẳng định tên tuổi của vịt cổ cò. Vùng đất này nổi danh với những cánh đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay, chó chạy mệt phờ phải đứng ngáp. Bà con nơi đây gia đình nào cũng làm chủ vài ha đất, cuộc chiến diệt rầy trên ruộng lúa với họ chưa bao giờ là dễ. Tuy nhiên, khi đã có vịt cổ cò, mọi thứ đơn giản hơn nhiều.
Nghe tới chuyện người nông dân làm lúa không cần phải xịt thuốc trừ sâu rầu, cũng chẳng phải lo ốc bưu vàng, tôi lấy làm lạ. Nhưng khi đi thăm một vài gia đình nơi cánh đồng chó ngáp, ghi nhận sự “cảm kích” của họ dành cho vịt cổ cò chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Nói như nhiều người dân xứ này thì “Từ khi có “chiến binh cổ cò” hổng (không) thấy rầy hại lúa”. “Trời đất ơi, vịt cổ cò hay lắm chú ơi! Có chúng, gia đình chúng tôi đỡ được năm bảy trăm ngàn mỗi lần xịt thuốc. Tụi nó như là khắc tinh của rầy, cứ nuôi chúng trong ruộng đảm bảo hổng có rầy hại lúa đâu”, bà Tư Ngân, một người địa phương bày tỏ.
Vịt cổ cò là món ăn thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa chuộng và không thể thiếu ở các miền quê trong dịp Tết Cổ truyền
Gia đình có hơn 2 ha đất làm mô hình lúa-tôm, cũng rất thành công trong việc dùng vịt cổ cò để “đại chiến” với rầy, ông Dương Văn Út, Trưởng ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Lộc) chia sẻ: Trước đây làm lúa đâu có rầy, khoảng chục năm gần đây mới phát hiện ra chúng, cây lúa điêu đứng cũng vì nó. Đứng nhìn ruộng lúa cháy rầy người dân chết lặng, chứ hổng biết làm gì. Rồi khoảng 5 năm nay, phát hiện tập tính của vịt cổ cò trong việc ăn rầy hại lúa, năm nào bà con cũng thả vịt vào ruộng để “chiến binh cổ cò” diệt rầy.
Nhớ lại cảnh cháy rầy năm 2013, ông Út kể, khi đó lúa được khoảng hơn 1 tháng tuổi, rầy bỗng bu đen xám xịt cây lúa. Đến mức ngành nông nghiệp địa phương phải cầu cứu cấp trên, đưa thuốc BVTV về hỗ trợ cũng không khá hơn, con rầy cứ phat hoại cây lúa héo úa từng ngày.
“Vậy mà vịt cổ cò làm được. Cứ thả chúng ra là cả ngày lùng xục ngoài ruộng, cật lực làm việc trong ruộng lúa, đi đến rầy ’sạch’ luôn đến đó, còn ốc bưu vàng cũng mất tích luôn”, ông Trưởng ấp nói.
Cứ vậy mấy năm nay bà con địa phương đổ xô đi mua vịt cổ cò về thả, gia đình nào cũng vài trăm con, tùy theo diện tích đất của mỗi hộ. Một số hộ nuôi vịt còn nhỏ sức sát hại rầy còn hạn chế, họ tìm đến vịt đàn (vịt chạy đồng) để diệt rầy. Tại địa phương có bầy vịt chạy đồng của anh Vũ Em, mọi người dành nhau, xin cho vịt về ruộng mình để cứu lúa.
Đã gắn bó hai chục năm nay với đàn vịt chạy đồng, tập tính chúng ra sao, anh Vũ Em thuộc lòng như lòng bàn tay. Gia đình anh thường xuyên nuôi đàn vịt khoảng 1.500 con. Khi cần anh lại đưa đàn “chiến binh” của mình đi giúp người dân trừ rầy.
Đàn vịt chạy đồng của gia đình anh Vũ Em đã giúp biết bao hộ dân diệt sâu rầy, bảo vệ ruộng lúa
Về địa phương thời gian này, những ruộng lúa đã trổ đòng, đây cũng là thời gian thư thả của những chú vịt. Các “chiến binh” sau khi hoàn thành nhiệm vụ trừ rầy, được bà con lùa hết về ao nhà vây lại vỗ béo. Phần được nuôi để lấy chứng, phần trở thành những món ăn thơm ngon bổ dưỡng. Đặc biệt, những món này không thể thiếu trong danh sách ẩm thực của người địa phương.
Nói về vịt cổ cò, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân (Bạc liêu) cho biết: Vịt cổ cò có nguồn ngốc từ vịt trời được thuần hóa thành vịt nuôi nên chúng có sức đề kháng cao, dễ nuôi. Chúng có những đặc điểm nổi bật như: Mắt rất sáng, nhanh nhẹn, mỏ kẹp khỏe và dài.
Đặc biệt, với tập tính tự săn mồi rất gỏi nên hiện tại địa phương rất nhiều hộ gia đình thả nuôi để diệt rầy và ốc bưu vàng. Hiện nay chưa phát hiện chúng gây hại gì trên ruộng lúa. Bên cạnh đó, với khả năng cung cấp khoảng 150 – 250 trứng/năm/con, và chất lượng thịt tốt, vịt cổ cò cũng mang lại hiểu quả kinh tế ch nhiều hộ gia đình.
Nguồn: nghenong.com