Cách thu hoạch, phân loại Măng tây xanh

Khi quan sát thấy các chồi măng đã nhô lên cao khỏi mặt đất khoảng 25cm-30cm là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao.

Cách thu hoạch, phân loại Măng tây xanh - cach thu hoach phan loai mang tay xanh

1. Thu hoạch măng:

Việc thu hoạch sản phẩm Măng tây xanh khá đơn giản. Người trồng có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động nữ và lao động lớn tuổi để thu hoạch và sơ chế sản phẩm, giao hàng theo các điều kiện hợp đồng với đơn vị thu mua. Khi quan sát thấy các chồi măng đã nhô lên cao khỏi mặt đất khoảng 25cm-30cm là lúc cần phải thu hoạch ngay để có được sản phẩm măng chất lượng cao.

Thời gian thu hoạch sản phẩm Măng tây xanh thông thường từ 6-9 giờ sáng mỗi ngày, trước khi mặt trời mọc, khi măng chưa tiếp xúc với ánh nắng. Chọn các chồi măng đã đạt chiều cao >25cm (loại 1) và >22cm (loại 2) theo quy cách hợp đồng thu mua, dùng tay nắm chặt sát gốc chồi măng, nghiêng 30o-45o xoay nhẹ, chồi măng sẽ tách rời khỏi rễ trụ cây măng dễ dàng.

Măng tây xanh ngay sau khi thu hoạch phải đem vào nơi thoáng mát (không để tiếp xúc với ánh nắng), tiến hành sơ chế phân loại Măng loại 1 và Măng loại 2 theo yêu cầu của đơn vị thu mua, cắt cỡ, rửa sạch đất cát (không để ướt đầu măng vì nước sẽ làm hỏng lá đài, hỏng chồi măng), bó lại thành bó 1-1,5 kg, xếp thẳng đứng nhẹ nhàng vào sọt hoặc xô nhựa. Xong, phải khẩn trương chuyển giao ngay cho đơn vị thu mua trong vòng 4-6 giờ để họ còn kịp thời gian chế biến, bảo quản lạnh và phân phối ra thị trường, hoặc xuất khẩu. Măng tây xanh chưa kịp sử dụng cần phải bảo quản trong tủ mát 20oC hoặc cắm chân măng vào 3-5cm nước (đá) lạnh.

+ Nếu để tiếp xúc với ánh nắng và giải nhiệt, kích đông 20oC bảo quản lạnh không đúng kỹ thuật bảo quản thực phẩm, Măng tây xanh sẽ bị héo, bị già hóa,có nhiều xơ (xơ hóa), và bị hư hỏng nhanh chóng trong vòng 2 ngày, không thể phân phối cho thị trường được.

Cứ thế, tiếp tục khai thác măng mỗi ngày cho đến hết chu kỳ thu hoạch măng, khi thấy cây mẹ có dấu hiệu sắp chuyển lá vàng (lão hóa) thì ngưng thu hoạch, chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh làm cây mẹ thay thế (trẻ hóa), bỏ nón chụp đầu chồi măng ra. Khi thấy cây mẹ thay thế vừa đủ lớn, bắt đầu bung tàn cành lá thì tỉa bỏ cây mẹ già cũ, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông gió phòng bệnh, xới xáo vun đất đậy gốc, làm sạch cỏ non, đồng thời bón thúc400 kg NPK 15-15-15, kết hợp phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh và sâu hại cây, bắt đầu một chu kỳ mới dưỡng cây mẹ thay thế.

2. Phân loại sản phẩm Măng tây xanh:

Đường kính gốc và độ dài chồi măng là tiêu chuẩn phân loại sản phẩm Măng tây xanh xuất khẩu:

– Măng loại 1: Đường kính thân măng cỡ >10mm-30mm, dài 25cm, thân thẳng không cong vẹo không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau sạch và an toàn cho người.

– Măng loại 2: Đường kính thân măng 5mm-10mm, dài 22cm, thân thẳng không cong vẹo, không sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn rau sạch và an toàn cho người.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách thu hoạch, phân loại Măng tây xanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *