Kết quả trông thấy về cách chăm sóc và sửa sang một cây Bonsai chính là số lượng các chi nằm giữa các cành và mức độ sum xuê của tán lá.
B. Thân và cành
Trong thiên nhiên, sự tăng trưởng của thân và nhánh được xác định bởi nhu cầu của cây để lợi dụng tối đa ánh sáng mặt trời và vượt qua sự cạnh tranh của các cây khác. Thân cây nghiêng ngả là vì mọc ở nơi có gió mạnh, đất bị xói mòn, hoặc bị hư hại vì các tác nhân vật lý và cơ học khác. Thân to và nhọn ở phía gốc khi mọc trên đất trống là vì không có các cây khác mọc ở gần để cạnh tranh,và tán cây có thể bành trướng rộng ra mà không bị cản trở. Nhiều nhánh ở dưới thấp làm cho thân cây rộng ra ở gốc. Cây già thì có nhiều rễ trồi lên mặt đất vì đất đã bị xói mòn. Nhánh cây thì có những chi càng ngày càng nhỏ sau nhiều năm trăng trưởng trong những điều kiện tốt. Cây trồng trong chậu thì không được như vậy, trừ khi ta sửa sang chúng lại bằng phương pháp cắt tỉa, quấn dây… Cây thân gỗ trồng trong những chậu nhỏ có thể nhìn giống như một cây bụi nhỏ nếu không được khéo léo sửa sang, bởi vì ở đây không có những lực thiên nhiên áp đảo chúng.
Thỉnh thoảng tỉa bớt nhánh và cắt bớt ngọn nhánh để làm cho tán cây Bonsai gọn lại, tán lá được phân bố lại theo một hình ảnh mà ta dự tính trong trí. Kết quả trông thấy về cách chăm sóc và sửa sang một cây Bonsai chính là số lượng các chi nằm giữa các cành và mức độ sum xuê của tán lá .
1. Tăng trưởng liên tục hoặc từng đợt (theo nhịp mùa)
* Tăng trưởng từng đợt : Rất thường gặp ở khí hậu nhiệt đới vào đầu mùa mưa hoặc nhiều lần trong năm.
Nhịp tăng trưởng được biểu hiện bằng nhiều hiện tượng:
– Lá nở ra;
– Lá rụng;
– Sự tăng trưởng của tượng tầng tạo thêm gỗ và libe làm cho thân hay nhánh dày lên;
– Sự tăng trưởng của những đọt non ( những đoạn có lóng dài tương ứng với giai đoạn tăng trưởng nhanh , những đoạn có lóng ngắn tương ứng với giai đoạn tăng trưởng chậm và mang lá nhỏ hơn).
* Nhịp tăng trưởng điều khiển thời hỳ vận chuyển nhựa, do đó nên lưu ý trong thao tác quấn dây kẽm, tránh quấn chặt quá cản trở sự lưu thông của nhựa, nhưng lại cần siết chặt nếu muốn tạo ra những u, bướu trên thân cây.
2. Chồi
Phân biệt:
– Chồi ngọn là chồi ở ngọn thân hay ngọn nhánh.
– Chồi nách là chồi mọc ở nách lá.
– Mỗi nách lá có thể có một hoặc nhiều chồi.
– Chồi nách thường được phát triển thành hoa hoặc phát hoa hoặc cũng có thể phát triển thành cành nhánh mới.
3. Diệp tự
Cách mọc (cách sắp xếp) của lá trên thân cây và trên nhánh. Có 3 kiểu chính sau đây:
– Lá mọc xen : mỗi mắt chỉ có một lá, các lá xếp luân phiên theo hình xoắn ốc đi dần lên ngọn thân hay nhánh hoặc các lá cũng mọc luân phiên nhưng chỉ nằm hai bên thân hay nhánh tạo thành một mặt phẳng ( song đính ).
– Lá mọc đối : ở mỗi mắt (đốt) có 2 lá đối nhau. Các cặp đối nhau này cũng có thể nằm trong cùng một mặt phẳng hay các cặp lá mọc đối nằm luân phiên trong 2 mặt phẳng thẳng góc với nhau (đối chéo).
– Lá vòng : ở mỗi mắt có từ 3 lá trở lên.
Vì mỗi nách lá đều có chồi nách, nên ta có thể dự kiến được sự xuất hiện của các đốt chồi mới dựa theo kiểu diệp tự và do đó có thể loại bỏ hoặc giữ lại cho phù hợp với các kiểu tàn đã chọn.
4. Sự phân nhánh
* Tùy theo kiểu diệp tự, ta có : nhánh mọc xen, nhánh mọc đối, chẻ hay “ nạng hai” ( do chồi ngọn của nhánh ngưng phát triển và 2 chồi nách ở ngay dưới phát triển thành 2 nhánh bằng nhau) hay nhánh mọc thành vòng ( ví dụ : Tùng bách tán).
Sự phân nhánh ở Tùng bách tán – 2 chồi nách ở ngay dưới phát triển thành 2 nhánh bằng nhau
* Sự phân nhánh cũng diễn ra từng đợt (đi đôi với sự tăng trưởng từng đợt ) hoặc liên tục ( đi đôi với sự tăng trưởng liên tục).
– Phân nhánh từng đợt : sự phát triển cùa chối nách bị hoãn lại (sau khi thành lập ) so với sự phát triển của chồi ngọn, nghĩa là chồi nách có giai đoạn nghỉ (chồi ngủ).
– Phân nhánh một lượt : chồi nách phát triển ngay sau khi được thành lập,nghĩa là không có giai đoạn nghỉ.
* Tần xuất phân nhánh : mặc dù mỗi nách lá đều có chồi nhưng tùy theo loài, chỉ sau khi có một số lá nhất định xuất hiện thì mới có một chồi nách phát triển thành nhánh. Biết được tần xuất này, ta có thể dự kiến được sự xuất hiện của các nhánh và do đó định hướng và định số lượng các nhánh mà ta muốn giữ lại hoặc bỏ đi.
* Hướng phát triển của nhánh : có 2 hướng chính
– Đứng : thường đi đôi với kiểu diệp tự xen hay đối chéo.
– Ngang : thường đi đôi với kiểu diệp tự song đính hay đối xứng (ứng dụng trong nhân giống : chiết nhánh mọc ngang có khi sẽ cho ta thân cây luôn luôn nằm ngang như trường hợp nhánh ngang cuả Tùng bách tán).
Đa số các đại mọc đều có nhánh đứng lúc mới mọc, sau đó có thể bị quằn xuống dưới sức nặng của tán lá.
5. Nhánh tái tạo
Là những đọt non mạnh, mọc lại từ thân hay nhánh bị ngả nghiêng hoặc bị uốn cong. Nhánh này tái tạo tất cả các đặc điểm hình thái của một cây nguyên vẹn. Nên lưu ý các nhánh này để nhân giống (chiết, giâm cành), tạo thế kiểu đa thân, bè, liền gốc hoặc kiểu rừng cây.
Biết được kiến trúc của cây sẽ giúp ích rất nhiều trong các thao tác cắt tỉa, uốn nắn và sửa cây nguyên liệu, cũng như các thao tác cắt tỉa để bổ sung.
6. Ưu thế ngọn
Chồi ngọn kiềm chế sự phát triển của chồi nách, nếu cần thì loại bỏ ngọn để cho các nhánh phát triển.
7. Sự phát triển của đọt thông
– Các đọt thông mới phát triển trong mùa tăng trưởng thường có dạng đèn cầy ở ngọn thân hoặc ngọn nhánh, dưới ngọn có nhiều chồi bên.
– Nên bấm đọt khi nó mới bắt đầu ló ra để các chồi bên phát triển.
– Thông thường các chồi bên phát triển gần như một lượt, tạo ra một chùm lá dày đặc hơn và gom thành cụm nhỏ, tạo tán lá đặc sắc của thông.
8. Các hướng động
Trong thiên nhiên có 3 yếu tố ảnh hưởng đến dáng cây : gió, trọng lực, ánh sáng.
– Trọng lực
Những cây mọc ở vách đá đứng thì có thân và nhánh mọc theo hướng động nghịch: nghĩa là luôn luôn có xu hướng mọc cong lên trời, mặt khác phần gốc hoặc rễ lồi thường có xu hướng phát triển ở hướng đối diện với hướng nghiêng của thân cây ( đề kháng với lực kéo). Cần lưu ý các đặc điểm này để bố trí các nhánh và gốc, rễ cho phù hợp với tự nhiên.
– Ánh sáng
Nhánh mọc hướng về phía có ánh sáng: Trong thiên nhiên những cây mọc ở bìa rừng hoặc ở bờ sông trong rừng thường có nhiều nhánh hoặc cả thân cây mọc hướng về phía lòng sông có nhiều ánh sáng hơn (quang hướng động thuận). Lưu ý đặc điểm này để áp dụng cho rừng Bonsai (những cây ở bìa thì nghiêng ra ngoài) hoặc cho các cây mọc trên non bộ ở gần nước.
– Gió
Tán lá mọc xuôi theo hướng gió không phải là do hiện tượng hướng động, mà là do kết quả tác động cơ học của gió: những nhánh mọc ở phía ngược gió thường bị gãy đổ hoặc không phát triển nổi, thân thì mọc nghiêng theo hướng gió, gốc và rễ thì phát triển trội hơn về phía ngược gió để đề kháng với lực kéo. Lưu ý đặc điểm này để bố trí các nhánh và tán lá cho đối lại với hướng đề kháng của gốc và rễ.
Nguồn: sưu tầm