Nội dung chính
Để chè xanh Bát Tiên có màu sắc đẹp và mùi vị thơm ngon thì khâu chế biến chè là khâu quan trọng nhất.
Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con một số kỹ thuật chế biến chè Bát Tiên đơn giản và tiện dụng giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm chè. Để chế biến chè bà con cần 2 dụng cụ cơ bản đó là máy vò chè và máy sao sấy.
Kỹ thuật thu hái chè
Thứ nhất là cần chú ý về kỹ thuật thu hái chè. Bà con nên hái chè vào ngày nắng, tránh ngày mưa, nếu không chè sẽ bị ngấm nước mất vị ngon. Thời điểm thu hái tốt nhất là từ khoảng 9 h sáng đến 4 h chiều. Khi hái bà con nên hái búp chè bánh tẻ, chọn búp có khoảng 5 lá là hái được. Khi hái ta chỉ hái 3 lá còn để lại 2 lá. Bà con nên mang theo sọt, gùi để búp chè hái được và không được nèn chặt khiến cho chè dập nát.
Kỹ thuật vò chè
Sau khi đã hái chè xong, bà con đem chè về rải ra nền nhà sạch khoảng 30 phút để chè thoáng, bay hết hơi nước ẩm ướt. Sau đó bà con tiến hành ốp tái chè.Chúng ta tiến hành đốt lửa cho máy sao chè nóng lên, chú ý cho lửa cháy đều. Khi máy đã nóng bà con cho chè vào thùng, mỗi lần khoảng 2kg chè tươi, cho máy quay đều khoảng 5 phút những cánh chè đã héo lại thì bỏ ra. Tiếp theo là cho chè héo vào máy vò chè. Máy chạy khoảng 15 phút bà con thấy cánh chè xoăn lại là được. Tránh để quá lâu chè sẽ bị dập nát.
Kỹ thuật sao sấy
Sau khi vò chè, cánh chè đã đủ độ xoăn chúng ta cần cho ngay chè vào sao sấy. Đốt lửa to cho thùng sao thật nóng và cắm điện cho quay đều. Bà con cho chè vào thùng. Khoảng 20 phút sau thấy chè khô dần thì bà con rút bớt lửa tránh để cháy chè. Khi nào thấy chè toả ra mùi thơm như bánh mật, tiếng chè nổ kêu lách tách thì bà con đổ chè ra, để nguội và cho vào túi ni lông buộc kín để bảo quản cho chè được thơm ngon lâu dài.
Nguồn: 2lua.vn