Cần phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật, vì cây Măng tây xanh rất nhạy cảm khi tiếp xúc với các loại thuốc độc hại này.
1. Cách làm cỏ cho cây măng tây xanh
Trồng cây Măng tây xanh trên diện tích lớn, làm cỏ bằng tay sẽ tốn nhiều công sức và mất rất nhiều thời gian. Cần chủ động tính trước việc làm cỏ ngay từ khi chuẩn bị đất trồng,để có thể sử dụng máy làm cỏ kết hợp xới xáo đất và bón phân về sau:
– Từ khi chuẩn bị đất trồng, cần làm cỏ, phun thuốc diệt mầm cỏ thật kỹ, kết hợp phòng ngừa sâu bệnh.
– Khi chuẩn bị liếp trồng, cần căng dây lấy mực để xẻ rãnh, lên liếp, trồng cây cho thẳng hàng cách nhau 100cm (mặt liếp trồng) và 20cm (mặt rãnh thoát nước). Biện pháp này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc làm cỏ bằng máy làm cỏ kết hợp xới xáo đất, đồng thời tạo đường đi thuận lợi để dùng máy xẻ rảnh bón phân, chăm sóc cây và vận chuyển măng thu hoạch sau này.
– Sau khi trồng, trước mỗi định kỳ bón phân 15 ngày/lần, cần phải làm cỏ thường xuyên, liên tục, dứt điểm từ khi cỏ còn non, không để cỏ già rơi hạt tái sinh lớp cỏ con cháu + Không dùng rơm, trấu chưa xử lý mầm bệnh (bằng sulfat đồng hoặc nước vôi) để phủ gốc thay việc làm cỏ + Không dùng bạt nilon phủ gốc để khử cỏ, vô tình ngăn cản sự quang hợp ánh nắng làm hỏng bộ rễ bàng và ngăn cản sự phát triển của các chồi măng non, sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của cây măng về sau. Sau khi bón phân, cần lấy lớp đất mặt hai bên mép liếp vun vào đậy gốc cho cây, bảo vệ bộ rễ cây măng; cách làm này cũng giúp ích rất nhiều cho việc kiểm tra và hạn chế cỏ dại.
– Cũng có thể cẩn thận dùng thuốc diệt cỏ và sâu hại trong giai đoạn tạm ngưng thu hoạch măng chờ dưỡng cây mẹ thay thế. Chú ý sử dụng thuốc diệt cỏ và bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn theo nguyên tắc “4 đúng”, không để thuốc ảnh hưởng chồi măng và làm mất sức cây măng, đồng thời phải bảo đảm thời gian cách ly đúng quy định bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ có một số loại thuốc trừ cỏ có thể dùng được cho cây măng như: Napropamide, Trifluralin, Fagon, Agropac, Dual, Whips, Onecide, Terbacil, Dicamba…
+ Cần phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật, vì cây Măng tây xanh rất nhạy cảm khi tiếp xúc với các loại thuốc độc hại này.
2. Cách cắm cọc giăng dây chống đỏ ngã cây măng tây xanh
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của mình, cây Măng tây xanh sẽ cao lớn, tăng dần số lượng thân cây trên một bụi và sẽ bung tàn lá có thể rộng đến 1 mét, lứa thân cây thời gian sau sẽ to hơn lứa thân cây thời gian trước, rất dễ làm đổ ngả cây trồng. Để giữ cây măng đứng thẳng, cần phải giăng dây chống đổ ngả cây.
Cách làm: Trên cùng một hàng với cây trồng, chen giữa các cây măng, tiến hành cắm các cọc tre đường kính khoảng 5cm, cao 120cm, cách nhau 3-4m. Dùng dây cước nilon bền chắc (chịu được mưa nắng) giăng thành một hàng đôi (kẹp cây măng vào giữa) cao cách mặt liếp khoảng 40-50cm.
Sau đó, tuỳ theo độ cao và lớn của cây, có thể giăng thêm dây, hoặc nâng dần đôi dây lên các độ cao 75cm, 90cm, 100cm để giữ cây măng luôn luôn đứng thẳng. Đứng thẳng là tư thế thuận lợi nhất giúp cho cây Măng tây xanh có thể tiếp nhận đầy đủ, trọn vẹn ánh nắng quang hợp để nuôi dưỡng cây, phát triển nhanh chóng bộ gốc và bộ rễ của cây.
3. Cách kích thích trổ măng cho cây
Như trên đã nói, ở thời điểm sau khi trồng khoảng 135ngày(4,5-5 tháng), khi quan sát thấy đường kính gốc thân cây mẹ đạt >10mm-12mm (lớn hơn điếu thuốc lá) + lá cây mẹ chuyển sang màu xanh đậm là những dấu hiệu cho thấy cây sắp đến thời kỳ cho măng thu hoạch.
Để kích thích cây Măng tây xanh phát triển nhanh và trổ nhiều chồi măng, cần phải tiến hành bón thúc 400 kg NPK 21-7-14 +kết hợp dưỡng cành lá cây măng cho thật sum suê để quang hợp tốt ánh nắng nuôi dưỡng cây + cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1m20 + tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây, rồi làm sạch cỏ non, xới xáo vun đất đậy gốc, phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh và sâu hại cây.
Làm như vậy sẽ giúp cho cây mẹ nhanh chóng phát triển bộ gốc và bộ rễ, tạo ra điều kiện cơ bản để cây măng tăng thêm năng suất, chất lượng măng thu hoạch lứa sau nhiều hơn, cao hơn lứa trước.
4. Cách bảo vệ các lá đài non và tạo ra các chồi măng đẹp
Phần ngọn khoảng 10cm trên đầu các chồi măng có phân bố các lá đài non rất mẫn cảm với nước và đất, cát. Nước mưa, nước tưới hoặc đất, cát nếu lọt vào ứ đọng bên trong các lá đài non sẽ làm hư thối các lá đài non, làm hỏng chồi măng hoặc làm giảm chất lượng, mất giá trị thương phẩm của Măng tây xanh.
Khi các chồi măng non xuất hiện trên đất trồng cao khoảng 5cm-6cm, cần dùng màng nilon tạo ra các mũ hình chóp nón cao khoảng 6cm làm nón chụp trên đầu chồi măng để bảo vệ các lá đài non + kềm hãm sự phát triển già hóa của các lá đài + góp phần hạn chế sự già hóa của chồi măng, nhằm tạo ra các chồi măng đẹp ngọn, có giá trị thương phẩm cao.
5. Để giống cây
Người trồng cây không thể dùng hạt trái chín của các dòng cây Măng tây xanh từ đời F2 trở về sau để làm giống trồng cây lấy Măng vì các đời cây sau này sẽ cho măng có đường kính thân măng rất nhỏ (khoảng <2mm-3mm), không có giá trị thương phẩm để thu hoạch.
Tuy nhiên, người trồng cây Măng tây xanh vẫn có thể tận dụng hạt giống từ các đời cây F2 trở về sau để trồng cây cắt lấy lá măng làm kiểng bán kèm với hoa cắt cành như bà con nông dân xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã làm từ 20 năm nay, hiện cho thu nhập cũng khá cao.
Nguồn: sưu tầm