Việc thay đất sang chậu là một bước quan trọng và không thể thiếu trong kỹ thuật trồng cây cảnh và chăm sóc bonsai, tuy nhiên việc này cũng cần 1 vài chú ý.
Sang chậu là một công việc bắt buộc trong kỹ thuật trồng cây đối với người làm và chơi cây cảnh. Lâu không sang chậu, cây hỏng. Sang chậu sai kỹ thuật cây ốm và bỏ cành hoặc chết. Đa phần nhà nào cũng ít nhiều có cây cảnh trang trí ngoại thất hay nội thất. Vì vậy việc giới thiệu kỹ thuật sang chậu là rất cần thiết.
Mục đích của việc thay đất sang chậu
Kỹ thuật trồng cây, thay đất, sang chậu đều nhằm mục đích cho ra những chậu cảnh đẹp nhất
– Cây cảnh trồng trong chậu lâu năm, đất cứng, hết màu, rễ cây ăn ra bám vào một lớp dầy xung quanh thành chậu. Mùa hè nắng chiếu vào thành chậu đốt nóng rễ phía trong, cây lại hết đất nên lụi tàn rồi chết dần. Buộc phải sang chậu để thay đất cho cây.
– Với địa lan, ngoài mục đích trên, còn mục đích là để nhân giống (phân lan).
– Sửa bộ rễ, cắt bỏ rễ thối, rễ thừa, uốn nắn cho bộ rễ đẹp, nâng bộ rễ nổi lên.
– Thay đổi chậu, bể đang trồng sang một chậu, bể khác cho phù hợp với cây, làm tăng giá trị nghệ thuật của cây.
– Thay đổi dáng thế cây cho ngoạn mục hơn dáng thế cũ.- Xử lý thoát nước ở những chậu bị tắc nước.
Cách thay đất, sang chậu
Để tránh làm tổn hại đến bộ rễ cây và không làm đứt những rễ dài, tưới nước cho ướt chậu đến khi đất nhão, mềm nhũn ra sau đó chỉ cần nghiêng cây về một bên và tách cây ra chậu.Đối với những chậu chứa cây bonsai có đất tơi xốp, tiến hành đặt chậu xuống nền đất mềm, hai tay cầm chặt miệng chậu, nâng nghiêng chậu về phía trước, đẩy đi giật lại nhanh nhiều lần. Cứ thế xoay các phía chậu mà lay.Toàn bộ vùng đất sẽ tách rời khỏi thành chậu, chỉ việc đổ cây ra mà bầu cây vẫn còn nguyên vẹn.
Việc thay đất sang chậu trong kỹ thuật trồng cây tuy không khó nhưng phải có phương pháp
Nếu vẫn chưa được, cần tưới nước cho ngấm thật đậm toàn bộ bầu cây hoặc dùng biện pháp cuối cùng là ngâm chìm chậu vào nước đợi cho nước ngấm đủ nhũn hết đất trong chậu, đưa chậu cây ra, để ráo nước rồi lay như đã nói ở trên, nhất định sẽ đổ được cây ra dễ dàng.
Sau khi đã nhổ được cây ra khỏi chậu, mạnh dạng cắt bỏ rễ cây dày đặc, rễ già, xấu chỉ chừa lại lượng rễ tương đương đủ để nuôi dưỡng cây, Loại bỏ lá vàng, cành khô đối không cần thiết.
Trồng lại cây vào chậu
Chọn chậu, bể có màu sắc, hình thể kích cỡ phù hợp với cây và 10 thoát nước Ở đáy chậu phải to. Nếu chậu có nhiều lô thoát nước càng tốt. Chuẩn bị sẵn sàng đất đúng chủng loại. Đất dùng để sang chậu nhất thiết phải khô hoàn toàn. Nếu đất đã được phơi nỏ lại để nơi bán âm bán dương (lán, hiên) hàng năm rồi càng tốt. Việc trồng cây vào chậu rất cần có kiến thức.
Kỹ thuật trồng cây trở lại chậu cũng cần được chú ý
Đầu tiên là xử lý lỗ thoát nước. Những cây dễ tính, đọng nước đôi chút không chết thì chỉ cần đặt một mảnh sành chờm rộng lên lỗ là được. Nên chọn mảnh sành khi úp vào lỗ có độ kênh. Những cây yêu cầu phải thoát nước nhanh, bầu thật thông thoáng như lan, trà, đỗ quyên, sử thì phải kê cao mảnh sành lên một chút.Đặt một lớp dưới đáy chậu toàn những cục xỉ than rắn chắc, tiếp theo xếp lớp đất cục, rồi đến phủ lớp đất tơi mời đặt cây vào. Xung quanh thành chậu cũng xếp đất cục to rồi nhỏ dần. Xung quanh bầu rễ phải cho toàn đất mầu. Trên mặt chậu cũng xếp một lớp đất cục to để chống nước xối lên rẽ đất và gây đóng váng mặt chậu.
Chú ý một chút đến việc thay đất sang chậu trong kỹ thuật trồng cây cảnh bonsai sẽ cho ra những chậu cây như ý
Khi cho cây bonsai vào chậu mới chú ý vị trí của gốc cây trong chậu, cần chính giữa hay lệch về bên nào, độ cao thấp của gốc đúng tầm, độ nghiêng đúng dáng thế. Tra đất vào xung quanh bầu từ từ từng lớp, dùng que đầu tù xọc, rồi lắc chậu, tiếp theo là tưới nước đều để cho đất len lỏi, lấp đầy khoảng trống dưới đáy chậu.Khi thay chậu sang đất cho cây bonsai xong tốt nhất nên để cây ở chỗ râm thoáng mát khoảng 20 ngày để cây lại sức và phát triển tốt tươi trở lại.
Nguồn: vietq.vn