Nội dung chính
Lượng bùn thải từ ao, đầm được biến thành nguồn phân bón chất lượng. Sau khi sử dụng phân bón hữu cơ từ bùn, năng suất chất lượng lúa tăng đến 50%.
Nhóm sinh viên giúp nông dân biến bùn thải thành phân bón
Một nhóm sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) đã thuyết phục một người nông dân cho nhóm thực nghiệm đề tài “Xử lý bùn thải thành phân hữu cơ”. Thật bất ngờ, sau khi sử dụng phân bón hữu cơ từ bùn, năng suất lúa chất lượng tăng đến 50%. Để làm được điều này, nhóm đã thực hiện song song 2 phương pháp bón phân thông thường và bón phân hữu cơ từ bùn.
“Mẫu bùn được chúng em lấy tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (TPHCM) bằng máy tách nước ly tâm. Bùn được phối trộn với các loại phế phẩm nông nghiệp là vỏ trấu, mùn cưa, xơ dừa. Hỗn hợp thí nghiệm được điều chỉnh để giữ độ ẩm ở mức 60-70% và tiến hành thí nghiệm xử lý đồng phân hủy các tỷ lệ để tìm ra tỷ lệ phối trộn tối ưu” – Nguyễn Khánh Dương, thành viên nhóm chia sẻ về quá trình xử lý bùn.
Mô hình tủ ủ nhiệt để tiến hành quá trình phân hủy kỵ khí giúp biến bùn thải thành phân bón tăng năng suất chất lượng lúa
Như vậy bùn xử lý nước thải sau quá trình kị khí có tiềm năng ứng dụng làm phân bón hữu cơ cho nông nghiệp với nồng độ đề xuất là 3%, phù hợp cho sử dụng trong thời gian dài. Loại bùn ủ Mesophilic có tiềm năng sử dụng cải tạo đất rất tốt. Tùy vào mục đích mà có thể sử dụng loại bùn ủ này như là một loại phân theo nhiều nồng độ khác nhau kể cả vi lượng lẫn đa lượng.
Thử nghiệm cho thấy, chi phí bón phân hữu cơ từ bùn thấp hơn nhiều so với cách bón phân thông thường. Ngoài ra, phương pháp mới này còn giảm lượng sâu bệnh hại, nhờ đó, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật cũng ít đi. Điều này vừa có lợi cho kinh tế, vừa có lợi cho môi trường khi hạn chế sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật, là tiền đề hướng đến nông nghiệp xanh – phát triển bền vững.
9X “hô biến” bùn thải ao tôm thành phân bón
Cùng chung mục tiêu biến bùn thải thành phân bón chất lượng, Lê Minh Vương – chàng sinh viên năm thứ 4 khoa Khoa học Môi trường, Trường ĐH Sài Gòn đã chuyển giao miễn phí công trình “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm” cho bà con nông dân nhiều tỉnh.
Minh Vương chia sẻ: “Hàm lượng chất hữu cơ cũng như hàm lượng đạm, phốt pho… trong bùn khá cao, có thể tận dụng để cải tạo thành phân bón hữu cơ có chất lượng cao”. Với nghiên cứu này, bà con nuôi tôm vừa có thể tận dụng bùn từ ao nuôi, qua các bước cải tạo thành phân bón vi sinh; đồng thời có thể kết hợp để nuôi trùn quế, bán thành phẩm ra ngoài thị trường, phân trùn một lần nữa được sử dụng làm phân bón vi sinh, việc này vừa giúp tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
Lê Minh Vương tìm hiểu kỹ thuật bên vườn rau sạch tại Củ Chi
Hiện công trình nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ của Lê Minh Vương đang được Công ty PETECH Corporation tại TPHCM đầu tư sản xuất đại trà và đang trong giai đoạn triển khai bước đầu. Tuy nhiên, trước đó công trình này đã được Vương chuyển giao miễn phí cho một số bà con ở Quãng Ngải, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Tây.
Nguồn: sưu tầm