Khả năng dự đoán năng suất lúa, kiểm soát tàu đánh cá, giám sát lũ lụt và thảm họa thiên tai… là ưu điểm cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này.
Bằng phương pháp sử dụng ảnh vệ tinh SPOT4 và SPOT5, các cơ quan quản lý đã theo dõi sản xuất lúa ĐBSH từ năm 2012 đến nay, sử dụng ảnh vệ tinh MODIS để dự báo năng suất, ước tính sản lượng, theo dõi sinh trưởng của lúa, theo dõi tình trạng khô hạn, ngập úng…
Sản xuất lúa sẽ được sử dụng công nghệ viễn thám dự đoán năng suất
Ngoài ra, hệ thống Webgis và viễn thám quản lý sản xuất lúa khu vực ĐBSCL cũng đã sử dụng ảnh MODIS để theo dõi sản xuất lúa, tạo thành nguồn dữ liệu đầu vào độc lập cho hệ thống thông tin, sử dụng phép phân tích dữ liệu không gian và thời gian để xác định thời điểm xuống giống, tiến độ xuống giống.
Công nghệ này cũng dùng xác định giai đoạn sinh trưởng của lúa trên ruộng, trên cơ sở đó xây dựng bản đồ hiện trạng lúa thống kê diện tích lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, tính toán tiến độ thu hoạch lúa; tính toán diện tích gieo cấy cho từng xã, từng huyện, từng tỉnh và dự báo năng suất…
Đơn cử như vụ đông xuân 2015 – 2016, một số địa phương ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã kết hợp với Khoa Môi trường – Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ) triển khai dự án ứng dụng dùng ảnh viễn thám (ảnh vệ tinh) để dự báo năng suất lúa.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Vụ hè thu tới đây tỉnh sẽ mở rộng triển khai ở 20 xã trồng lúa thực hiện dùng ảnh viễn thám để đánh giá năng suất lúa, từ đó kịp thời khuyến cáo nông dân. Dùng ảnh viễn thám lúa ở 60 ngày tuổi có thể đánh giá được trà lúa cho năng suất bao nhiêu, độ chính xác có thể đúng trên 90%……
Ngoài dự đoán năng suất lúa, công nghệ viễn thám cũng được nước ta sử dụng cho chương trình điều tra tài nguyên rừng vùng Tây Nguyên; cảnh báo cháy rừng cho các tỉnh Lào Cai, Hải Phòng (Cát Bà), Phú Yên và Quảng Ninh (2011, 2012, 2013-2015); lập mô hình phân tích điểm nóng (hot spots) để cảnh báo và phát hiện cháy rừng…
Nguồn: vietq.vn