Do mùa đông ít nắng hanh, diện tích cây màu vụ đông trồng lại ít nên, đất ruộng không được phơi ải, ít tiếp xúc không khí, trong đất tồn dư nhiều chất hóa học độc hại, vi khuẩn yếm khí có hại phát triển nhanh, tăng gây ngộ độc cho rễ lúa. Xin giới thiệu kỹ thuật phòng trị bệnh nghẹt rễ cho lúa xuân.
Nhận biết: Khi bệnh mới phát sinh, ngọn lá lúa biến vàng hoặc có màu đỏ đồng đoạn dài khoảng 1- 2 cm, nhổ thăm thấy rễ màu vàng, ít rễ trắng. Bệnh nặng, nhiều lá phía trên bị đỏ đồng 30- 50% phiến lá, đầu lá táp khô, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít, bộ rễ màu đen có mùi tanh hôi, không có rễ trắng.
Nguyên nhân: Đất không được khô, ải; trong đất thường bị thiếu ô-xy. Đây là nguyên nhân chính gây nên bệnh nghẹt rễ lúa. Hiện tượng này cũng thường xảy ra khi bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục như phân chuồng, phân xanh, phân bắc tươi. Trong đất tích tụ nhiều khí độc như CH4, H2S và các ion Fe+2, AL+3… Ngoài ra, khi không đủ ô-xy, các chất hữu cơ phân giải không hoàn toàn, tạo ra các a-xít hữu cơ làm tăng độ chua của đất, ảnh hưởng xấu đến sự hô hấp của rễ, cũng là nguyên nhân của bệnh nghẹt rễ.
Phòng bệnh
Những chân ruông lầy thụt, ngập nước thường xuyên, đất thịt trung bình đến nặng không được ải nỏ thường hay bị chua, cần bón lót vôi bột 20 – 25 kg/sào Bắc bộ (360 m2) trước khi làm đất + 2 – 3 gói Pe- nacR P.
Đất cát pha, đất cát, chân vàn, vàn cao cũng cần được bón lót vôi bột với liều lượng 15 – 18kg vôi bột/sào. Vôi cần bón trước khi gieo cấy 7 – 30 ngày.
Không bón phân hữu cơ chưa hoai mục cho các chân ruộng trũng. Gieo sạ hàng, cấy mạ xúc, mạ ném nông tay giúp cho rễ lúa được cung cấp thêm oxy từ không khí.
Bón lót nhiều lân, kali, giảm đạm. Bón khoảng 25 – 30kg supe lân; 4 – 6 kg đạm; 6 – 8 kg kali cho một sào các chân ruộng trũng ngập nước, không trồng màu vụ đông.
Sử dụng phân bón vi sinh mới
Siêu phân bón NEB – 26 trộn với đạm hay NPK; dùng phân bón hữu cơ vi lượng dạng lỏng PTS9 thay phân chuồng. Hai loại phân bón này làm gia tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất sinh trưởng mạnh, đất tơi xốp, nhiều dưỡng khí.
Biện pháp khắc phục
Khi lúa chớm bị bệnh, cần tháo cạn nước. Bón vôi bột 25 – 30kg/sào hoặc lân 15 – 20kg làm cỏ sục bùn, để khô 7 – 10 ngày cho nứt chân chim. Đồng thời phun phân bón qua lá: vườn sinh thái, Bio- plant, K – Humate, K-H701/702,ET… 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 -5 ngày. Chú ý tuyệt đối không được bón đạm khi lúa đang bị nghẹt rễ.
Khi nào lá lúa xanh trở lại, ra thêm lá mới, rễ trắng mới sẽ bón thúc đạm. Chú ý cần phân biệt vàng lá nghẹt rễ với vàng lá do bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn gây ra để có biện pháp xử lý thích hợp.
Nguồn: sưu tầm