Khi nào cần thay chậu cho cây lan

Khi cây đã quá lớn làm nứt chậu và rễ đã mọc ra ngoài chậu nên không thể hút nước và phân bón ở trong chậu được, ta cần phải thay chậu. Thay chậu đúng cách, đúng lúc tức là bảo đảm cho cây sống còn và ra hoa đúng mùa.

Khi nào cần thay chậu cho cây lan - 32885 image003

1. Những lý do ta phải thay chậu cho cây Lan

1.1 Cây đã mọc ra ngoài chậu

Khi cây đã quá lớn làm nứt chậu và rễ đã mọc ra ngoài chậu nên không thể hút nước và phân bón ở trong chậu được, ta cần phải thay chậu. Ngoại trừ ở những nơi có độ ẩm cao như tại vườn lan Santa Barbara Orchid Estates họ chỉ bỏ cả cây lẫn chậu vào trong một chậu lớn hơn và có khi tới 3-4 chậu. Trường hợp này tạm được nhưng cây không được tốt cho lắm.

1.2 Tách nhánh

Khi muốn chia một cây lớn ra làm nhiều chậu, nhất là khi có nhiều thân cây già không thể ra hoa được nữa. Những cây này chỉ còn là chiếc bầu chứa nước phòng khi khô ráo. Để như vậy, những thân này không sinh ra cây con và chỉ thêm chật chỗ. Nếu tách ra, vì lý do sinh tồn sẽ mọc cây con. Nên nhớ khi tách cần tối thiều là 3-5 thân hay củ, cây mới mọc mạnh nếu không cây sẽ èo uột và chết dần.

1.3 Vật liệu trồng trong chậu đã mục nát

Khi vật liệu nuôi trồng đã muc nát như bùn sẽ giữ nước trong chậu làm thối rễ lan. Nên nhớ rễ lan ưa ẩm chứ không chịu được ướt đẫm lâu dài. Các vậy liệu trồng lan có thứ chóng mục và có thứ lâu mục như sau:

• Vỏ thông, gỗ nhỏ, rêu (2-3 mm) khoảng 2 năm.
• Vỏ thông cỡ vừa (1-2 cm) Vỏ dừa, Than củi, Rễ cây dương xỉ (5-10 mm) 3-4 năm.
• Vỏ thông cỡ lớn (2-3 cm), Đá núi lửa, đá xanh 4-6 năm.

Tuy nhiên, tùy theo khí hậu và vấn đề tưới nước có thể làm cho vật liệu lâu mục hay mục sớm hơn. Có nhiều người đã trồng lan Cymbidium với đất trộn sẵn (potting soil), cây lan có thể tốt trong vòng 1-2 năm, nhưng sau đó dễ bị sũng nước và chết. Có người đã thú nhận là nuôi bằng đất đã chết 20-30 chậu trong thời gian bị mưa nhiều.

1.4 Có nhiều cặn muối đọng trong chậu

Trong phân bón và nước tưới thường hay có cặn muối hoặc khoáng chất đọng trong chậu hay là bám vào vật liêu trồng cây, nhất là nước tưới có nhiều cặn có chỉ số trên 500 ppm. Chất muối sẽ làm cháy đầu rễ và do đó không hút được nước để nuôi cây. Khi ta thấy phía dưới chậu có những cặn trắng sám đóng vào hoặc đầu lá lan bi cháy nâu đen lại tức là dấu hiệu có cặn muối trong chậu. Vì vậy khi tưới nên tưới cho thật đẫm và cứ một hay hai tháng tưới một lần với Epson Salt để xả hết chất muối. Xin xem bài Tưới Nước Bón Phân.

1.5 Cây bị bệnh

Bất cứ khi nào thấy lá cây vàng vọt, nhăn nhúm hay có đốm thối tức là cây đã bị bệnh hay thối rễ. Cần phải thay chậu ngay với chậu mới và vật liệu mới, không nên dùng chậu và vật liệu cũ. Có người đem ngâm chậu và vật liệu trong nước có pha 10% Chlorox, nhưng không bảo đảm. Nếu so sánh giá trị của cây lan với giá tiền mua châu mới và vật liệu mới chẳng đáng là bao nhiêu.

2. Những lưu ý khi thay chậu

2.1 Chọn chậu

Thứ nhất chúng ta cần phải lựa chọn cỡ chậu vừa đủ cho cây. Thực tế cho thấy rằng 80-90% chúng ta đều chọn chậu quá khổ đối với cây. Chậu quá lớn, vật liệu trong chậu lúc nào cũng ẩm ướt làm cho rễ hay bị thối. Theo nguyên lý nếu có khô, rễ sẽ mọc dài ra để tìm nước, nếu lúc nào cũng có nước, rễ sẽ không mọc thêm vì vậy nên để khô rễ rồi mới tưới nước. Vì vậy khi chọn chậu, chỉ nên chọn chậu vừa đủ cho cây mọc trong 2-3 năm, tức là để cây vào giữa chậu và chừa chung quanh mổi phía chừng 5 phân là đủ. Nên nhớ chậu bằng đất mau khô hơn chậu bằng nhựa.

Thứ hai có nhiều giống lan ưa thoáng rễ như Vanda, Rhynchostylis v.v…, hay chồi hoa mọc xuống đáy hay đâm ra ngang như Stanhopea, Dracula v.v… vì vậy nên trồng trong giỏ gỗ, nhựa hay bằng sắt.

Thông thường các chậu thường dùng cho tất cả loại cây cho nên không mấy thích hợp với lan. Ta cần phải khoét thêm lỗ ở ngang hông cho thoáng rễ và lỗ dưới đáy cho dễ thoát nước. Với dụng cụ dán keo mua ở chợ 99 Cent sẽ giúp ta khoét lỗ dễ dàng.

2.2 Mùa thay chậu

Thông thường nên thay chậu vào cuối mùa xuân vì vào thời gian này đa số các loài hoa đã gần tàn và sau đó là mùa hạ, cây lan sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Cymbidium nếu thay chậu quá muộn sẽ không có kịp có hoa vào mùa xuân tới. Nhưng cũng có nhiều cây nở vào thời điểm khác nhau, cho nên tốt nhất là thay chậu khi hoa đã tàn hoặc cây non mới mọc rễ.

Cũng có nhiều loài lan không ưa thay chậu và lại ưa trồng trong chậu chật hẹp như Dendrobium, Coelogyne, và phải bó rễ vào nhau mới ra nhiều hoa như Cymbidium, Psychopsis Paphiopedilum v.v…

Theo hoalanvietnam.org

Thảo luận cho bài: Khi nào cần thay chậu cho cây lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *