Lan cắt cành phổ biến hiện nay như Dendrobium, Mokara, Vadan, Oncibium. Trong đó, loại Lan cắt cành chủ lực là Dendrobium, Mokara.
Có nhiều cách để nhân giống hoa Lan như gieo hột ( ít được phổ biến vì quá khó khăn, hiệu quả không cao), cấy mô (khá phổ biến hiện nay) và tách chiết cây con từ cây mẹ. (áp dụng cho các nhà vườn trồng Lan với qui mô nhỏ).
Địa điểm: Địa điểm lập giàn lan (tức lập vườn lan) có thể là trước sân nhà, đất trống bên hông nhà. Nơi lập vườn lan có thể là đất vườn, đất ruộng, đất bưng đều được, miễn là nơi đó mát mẻ, thông thoáng và gần nguồn nước tưới.
Chọn hướng: Chọn hướng của giàn lan để lan tránh được ánh sáng trực xạ làm cho héo cây, cháy lá. Vì vậy, làm giàn lan phải chọn đúng hướng. Thông thường, lớp lưới che cho giàn lan được lợp thẳng góc với đi của mặt trời, để bên trong giàn lan lúc nào cũng nhận được ánh sáng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây lan.
Khung sườn giàn lan: Cột chống đỡ cho giàn Lan thường bằng trụ xi măng hoặc trụ sắt hoặc cây (tuỳ theo điều kiện kinh tế hộ).Chiều cao của cột: 3 – 3,5 m, chiều rộng tuỳ theo kích thước vườn, nóc có thể làm theo kiểu nhà một mái hoặc hai mái, tốt nhất là nóc bằng.
Mái che: Hiện nay, mái che giàn lan bằng lưới. Lưới có 2 loại; lưới đen và lưới xanh. Mái giàn lợp bằng tre, bằng gỗ rất mau mục nhưng với lưới thì vừa nhẹ, vừa dùng được lâu. Lưu ý khi lợp lưới nên căng cho thẳng và chằng dây kẽm trên dưới cho chắc để khỏi bị võng xuống.
Giàn treo phong lan: Giàn làm cao trên 3 m là để che chắn bớt ánh sáng cho lan và tạo sự thông thoáng cần thiết cho vườn. Bên dưới giàn, từ mặt đất đo lên khoảng 1,6m (dễ chăm sóc, thu hoạch), tạo một cái giàn để treo phong lan. Để treo các chậu phong lan có thể dùng cây tầm vông thật thẳng làm sào hoặc tốt nhất là dùng các loại ống nước tròn bằng nhựa hoặc sắt.
Những cây sào này được gác song song cạnh nhau, khoảng cách giữa hai cây độ 30 – 35 cm là vừa. Nếu giàn lan không đủ độ ẩm, dưới giàn treo lan có thể đào mương rãnh để dẫn nước vào hoặc xây hồ xi măng, trồng cây thấp nhỏ như dương xỉ…
Giá thể: Trồng phong lan phải sử dụng đến giá thể. Giá thể trồng lan có thể là than gỗ, xơ dừa (lưu ý: Trong xơ dừa có chất tannin là chất chát; vì vậy, trước khi dùng nên ngâm nước nhiều ngày; sau đó, vớt ra phơi khô, phun thuốc trừ bệnh để phòng ngừa), gạch (gạch là chất hút nước tốt, giữ ẩm cao nhưng nhược điểm là dễ mọc rêu, nặng…); vỏ cây thông (vỏ cây thông tuy khó kiếm nhưng nếu có được loại giá thể thì rất tốt cho việc trồng lan, do trong vỏ thông có chất resin là chất sát khuẩn nên trồng lan rất tốt); dớn (dớn là chất liệu trồng lan rất tốt, dớn được lấy ra từ thân, rễ của cây dương xỉ, ưu điểm là giữ ẩm tốt, nhược điểm là trồng lâu ngày phải thay chất trồng mới vì dớn mục nát, thiếu thoát khí).
Một số cách trồng phổ biến: Lan cắt cành có thể được trồng trong chậu (Dendrobium), trồng thành băng (Dendrobium, Oncidium), trồng thành luống như Vanda, Mokara…
* Trồng trong chậu: Chậu trồng Lan có thể là chậu gỗ, chậu đất, chậu nhựa. Tuỳ theo kích thước cây lớn hay nhỏ mà chọn kích thước chậu cho phù hợp. Thông thường kích thước chậu (7 x 12cm), (10 x 15cm), (12 x 16cm)… Bên hông cũng như đáy chậu đều trổ nhiều lỗ thoát nước và thông hơi.
Ưu điểm của loại chậu đất nung là không bị đọng nước. Nên chọn những chậu đất được nung kín, đất phải thật sự chín mới có độ bền chắc để giá trị cây đuợc trồng. Đối với chậu nhựa có thời gian sử dụng lâu nhưng trồng lâu ngày màu chậu mất màu, giảm giá trị cây trồng.
Lan được trồng trong chậu có thể sử dụng móc để treo (trình bày như trên) hoặc làm liếp nổi với kích thước 1m (chiều cao) x 1m (chiều rộng) x chiều dài vườn, sau đó đặt các chậu Lan trên liếp. Bề mặt liếp có thể làm bằng lưới B40 hoặc lưới đan lỗ thưa.
Lưu ý khi trồng Lan trong chậu: Khử trùng chậu trước khi trồng bằng các loại thuốc trừ nấm bệnh. Cột móc treo vào chậu sao cho khi treo chậu giữ được thăng bằng. Đặt giá thể vào chậu sao cho hở phần đáy khoảng 1/5 thể tích chậu để được thông thoáng.
* Trồng thành băng bằng xơ dừa: Chọn xơ dừa của những quả già, khô xé ra to bằng bàn tay. Xếp các mảnh xơ dừa này thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre, mặt lưng quay xuống, mặt ruột lõm quay lên, giữ chặt chúng bằng 2 thanh nẹp tre ở 2 bên . Hoặc xếp các miếng xơ dừa theo chiều đứng thành từng bánh khoảng 3 – 5 cm. Dùng các cọc tre có mũi nhọn cắm thẳng vào giữa miếng xơ dừa để làm cọc đứng. Buộc cây lan vào cọc, gốc lan xát với xơ dừa. Tưới nước ít hơn so với trồng bằng than trong chậu. Để tránh úng nước có thể đục một lỗ nhỏ ở giữa miếng xơ dừa trước khi trồng. Trồng lại sau 2 – 3 năm khi xơ dừa đã mục.
* Trồng thành luống: Luống cao 15 – 20 cm, rộng 1m, chiều dài tuỳ theo kích thước vườn. Đất cuốc lên thành cục càng lớn càng tốt để tạo lỗ hỏng làm thông thoáng bộ rễ. Hai bên luống dựng 2 hàng cọc đứng có nẹp tre theo chiều ngang để đỡ cây lan. Cọc cao khoảng 1 – 1,5m; khoảng cách giữa 2 hàng là 30 – 50 cm. Cách tiến hành như sau: + Buộc đứng các cây lan vào các nẹp tre, cành cách cành 20 cm. Các cành lan dài khoảng 40 – 50 cm, càng nhiều tầng rễ càng tốt, thường có 2 – 3 tầng rễ. Dùng gạch, gáo dừa, than củi trải trên mặt luống cho chạm đến gốc lan, trên cùng dùng xơ dừa đã ngâm trải lên nhưng không nén lại mà tạo thành độ xốp (tính từ mặt đất cho đến lớp xơ dừa cao khoảng 20 cm).
Che nắng cho lan khi mới trồng bằng lưới, phen tre hay bằng tán lá dừa để có khoảng 50% – 60% ánh sáng, gỡ bỏ dần khi cây phát triển tốt. Làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với lan và thường xuyên bón phân. Có thể hoà loãng phân bò, lợn bôi lên các nẹp tre.
Trồng lại sau 3 – 4 năm. Trồng thành băng hay thành luống đều phải làm giàn che cho cả vườn lan: giàn cao khoảng 3 – 3,5m; khoảng cách từ đỉnh đầu cây lan đến lưới che khoảng 1,6 – 1,8m. 3.3 Chăm sóc, bón phân: Lúc cây còn nhỏ nên hoà loãng phân NPK 30 – 10 – 10, lượng dùng 10 g NPK hoà 24 lít nước (tương đương 3 bình 8 lít) để phun ướt đều cây lan hoặc hỗn hợp môi trường.
Tuỳ theo cây phát triển như thế nào và kích thươc lớn nhỏ mà phun. Trung bình với lượng dung dịch phân như trên có thể phun 500 cây lan. -Phun đều, định kỳ 3 – 5 ngày/lần. Khi cây trưởng thành nên dùng phân NPK 20 – 20 – 20 hoặc NPK 10 – 30 – 10 để kích thích ra hoa. Khi cây vừa hé hoa thì dùng phân NPK 10 – 10 – 30 để hoa có màu sắc đẹp và lâu tàn. Khi hoa đã tàn hoặc cắt cành rồi nên đổi sang dùng phân NPK 30 – 10 – 10 để cây tăng trưởng ra chồi và lá nhanh.
Riêng Vanda rất chịu phân chuồng như phân bò hoai phơi khô bỏ vào gốc, cây rất tốt, ra nhiều hoa, màu sắc đẹp. Đa số lan Dendrobium sp ưa nóng, ưa ẩm, ưa thoáng. Vì vậy, trung bình tưới 2 lần/ngày, ngày nào có nắng gắt có thể tưới thêm một lần nữa. Lưu ý, không tưới nước nhiễm phèn vì sẽ tổn thương bộ rễ. Nước bị nhiễm mặn hoặc nước ao hồ, sông suối ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến cây. Giàn lan luôn luôn phải được làm vệ sinh chung quanh, nhổ cỏ rác, diệt côn trùng như dế, ốc sên, bướm tránh lây mầm bệnh, giữ giàn lan luôn được thông thoáng.
Nguồn: Sưu tầm