Nội dung chính
Bắp non là bông cái của cây bắp trước khi thụ phấn, được dùng như một loại rau ăn giống như măng.
Do bắp non là loại rau sạch, có vị ngọt và giòn nên rất được ưa chuộng và trở thành một mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng. Mặt khác, việc trồng bắp thu trái non rất có hiệu quả kinh tế do thời gian đầu tư vốn nhanh (thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 40-45 ngày), tăng nhanh số lần sử dụng đất; đồng thời có thể trồng xen hặoc luân canh với nhiều loại cây trồng khác.
Mặt khác, đây là một trong những loại cây màu nằm trong mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại thu nhập cao, cải thiện đời sống nông dân ở nông thôn trên cùng diện tích đất.
1. Thời vụ:
Bắp non có thể trồng quanh năm trong điều kiện khí hậu và đất đai của tỉnh (vùng đất cao ven sông, vùng màu trên núi và vùng đê bao chống lũ triệt để). Tuy nhiên thích hợp nhất là vụ đông xuân và xuân hè do ít bị ảnh hưởng gió to, mưa nhiều.
2. Chọn đất:
Bắp có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, loại đất thích hợp nhất là đất giàu chất hữu cơ nhiều mùn, đất thịt pha cát, đất phù sa ven sông, có độ pH=6-7 và đảm bảo có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh.
Đất trồng bắp cần phải thoáng, thoát nước tốt, giữ ẩm tốt để hột dễ nảy mầm, rễ dễ phát triển.
3. Chuẩn bị đất:
Cày lật, để 1-2 tuần cho cỏ mục rồi bừa lại cho đất tơi. Trồng vào vụ đông xuân nên trang bằng mặt ruộng, trồng vào vụ hè thu nên xẻ rãnh, lên liếp, mỗi liếp trồng hai hàng cây.
Trồng trên đất ruộng lúa cần thiết phải cày, xới, bón lót.
Trồng trên đất chuyên màu: cày sâu 15-20 cm, bừa lại để đất nhỏ vừa phải, sạch cỏ và làm rãnh (khoảng cách rãnh 5-10 cm, tùy theo cơ cấu đất: đất thịt pha cát, phù sa ven sông ít sét thì khoảng cách có thể rộng hơn) nhằm đảm bảo việc tưới nước, chống úng cho cây phát triển tốt.
4. Giống:
Trong tỉnh hiện nay có rất nhiều giống bắp non được trồng sản xuất dưới dạng thử nghiệm và đang tiếp tục theo dõi. Qua nhiều vụ sản xuất, giống Pacific 421 phù hợp với điều kiện sản xuất trong tỉnh. Đây là giống bắp lai chuyên dùng để thu hạoch trái non cho sản lượng cao và chất lượng rất đồng bộ. Nó có chiều cao cây thấp (khoảng 1,5m, thân cây cứng, ít bị gãy đổ. Tuy nhiên nếu trồng trong vụ Hè thu cần phải có mật độ thích hợp và vun gốc để tránh giông to, gió lớn có thể gây thiệt hại. Một số đặc tính cơ bản của giống bắp non 421:
– Chiều cao cây: 150 cm.
– Bắt đầu thu hoạch trái non vào khoảng 41-43 ngày sau khi gieo.
– Trổ cờ khoảng : 38-43 ngày sau khi gieo.
– Thích nghi rộng nhiều vùng trong tỉnh.
– Năng suất trái tươi: 8-12 tấn/ha.
Ruộng trồng bắp non cần tránh để thụ phấn với ruộng bắp khác bằng cách cách ly thời gian (trồng sớm hơn hoặc muộn hơn 25-30 ngày so với ruộng khác) hặoc cách ly không gian (cách ruộng bắp khác trên 1000 m) hoặc trồng hàng bắp bảo vệ (tối thiểu 30 hàng bảo vệ khi có ruộng bắp khác cách 500 m).Tất cả cây trong ruộng bắp non đều phải rút cờ, kể cả hàng bắp bảo vệ để tránh phấn rơi vào râu bắp.
5. Mật độ – Lượng giống:
– Lượng giống cần cho 1 ha là 35-40 kg.
– Trồng hàng cách hàng 70-75 cm, cây cách cây trên hàng 20-25 cm, gieo 3 hạt/hốc. Sau khi gieo 5-7 ngày nên kiểm tra và gieo dậm lại những hốc không lên hoặc ở chỗ có cây quá yếu, 10-15 ngày sau khi gieo tỉa bớt cây yếu chừa lại 2 cây/hốc.
6. Phân bón:
– Nếu có thể nên bón 5-10 tấn phân chuồng hoai/ha hoặc rơm mục (đã chất nấm xong) trước khi bừa lần cuối.
– Bón lót NPK theo hàng trước khi gieo hạt, nên dùng NPK (20-20-00 hay 16-16-8)với lượng 200kg/ha.
– Bón thúc lần 1: Vào 10-15 ngày sau khi gieo, với 50kg Urê và 50 kg NPK/ha.
-Bón thúc lần 2: Vào 20-30 ngày sau khi gieo, với 100kg urê và 50 kg NPK/ha.Bón theo rãnh, cách gốc khoảng 8-10cm, sâu 5-6cm, xới xáo làm cỏ và lấp phân ngay.
– Bón thúc lần 3:Vào 35-40 ngày sau khi gieo, với 50 kg urê/ha.Bón theo rãnh, cách gốc 12-13 cm, sâu 8-10cm, xới xáo làm cỏ và lấp phân.
(Tuỳ theo điều kiện đất đai mà có thể điều chỉnh cách bón và lượng phân bón phù hợp với sự phát triển cây trồng).
7. Chăm sóc:
a. Tưới nước:
Hệ thống tưới tiêu cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định năng suất và phẩm chất bắp non cao hay thấp. Do đó, mùa nắng cứ 2-3 ngày tưới 1 lần cho đến khi cây được 35 ngày tuổi và sau đó cứ 3-5 ngày tưới 1 lần cho đến khi thu hoạch. Cần tưới cho đất đủ ẩm, nhất là giai đoạn sắp trổ cờ cho trái.
Tuy nhiên trong mùa mưa cần phải thoát nước, tránh ngập úng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của bắp.
b. Làm cỏ vun gốc:
Cần làm sạch cỏ dại trong và xung quanh ruộng bắp. Trong 40 ngày đầu, ruộng bắp non phải thật sạch cỏ. Nên dùng thuốc diệt cỏ hiệu quả cao. Đối với 1 ha bắp non thường dùng 1-1,2 lít Dual 720ND hặoc 0,5 lít Ronstar 40EC phun trong 2 ngày đầu sau gieo, tránh phun sau khi bắp mọc lên đều.
Nếu làm cỏ bằng tay nên kết hợp với bón phân và vun gốc để cây bắp vững và phát triển tốt.
c. Sâu bệnh và cách phòng trừ:
Nên xử lý hạt giống để bảo vệ cây con, vì vậy vào lúc gieo hạt giống nên rải Basudin 10H lên lớp tro phủ hạt bắp để tránh kiến, dế phá mầm.
– 15 ngày sau khi gieo: Bỏ vài hột Basudin 10H vào đọt ngừa sâu đục thân và phun Coper B ngừa bệnh.
-30 ngày sau khi gieo: Dùng thuốc trừ sâu bệnh như trên để ngừa lần 2.
Ngoài ra chúng ta có thể sử dụng bẩy đàn diệt bướm. Cần chú ý trong quá trình trồng bắp non nên hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học để trừ sâu hại. Do bắp non được sử dụng như là một loại rau sạch, nên thông thường không nên sử dụng thuốc BVTV trong quá trình sinh trưởng của cây.
Nếu trường hợp sâu hại tấn công cũng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây. Mặt khác vì bắp non thu hoạch rất sớm nên đôi khi sâu bệnh chưa phá hại kịp thời đến trái thì đã được thu hoạch.
d. Rút cờ:
Rút cờ trước khi nở hoa (sau khi trồng khoảng 38-42 ngày). Rút cờ phải đồng loạt, lúc cờ còn nằm trong lá bao, khi rút cờ tránh mất nhiều lá. Cờ rút ra dùng để nuôi bò rất tốt vì hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Việc rút cờ có tác dụng vừa khống chế chiều cao cây, hạn chế việc đổ ngã trong mùa mưa vừa tập tập trung dưỡng chất nuôi cây, nuôi trái; đồng htời hạn chế sâu đục bông cờ, giúp bắp mau ra trái.
8. Thu hoạch:
Sau khi rút cờ 3-5 ngày, trái bắp non sẽ nhú râu ra. Một số giống thông thường khi râu dài ra khoảng 3 cm thì trái bắp đạt tiêu chuẩn thu hoạch cụ thể như trái dài khoảng 7-10cm, đường kính giữa trái khoảng 1-1,5 cm. Trước khi thu hoạch cần xác định xem trái bắp non đã đủ tiêu chuẩn thu hoạch chưa, bằng cách kiểm tra độ dài râu nhú ra và chiều dài bắp non bên trong vỏ.
Khi xác định trái dài đủ tiêu chuẩn thì tiến hành bẻ trái. Phải thu hoạch trái mỗi ngày để tránh trường hợp trái bắp vượt tiêu chuẩn do kích cở lớn, đồng thời sản lượng thu hoạch không bị mất ký và héo.
Đa số những trái thu hoạch sớm thường có kích thước, hình dạng, độ đồng đều cao. Bẻ trái bằng tay và nên thu hoạch từ sáng sớm và thu hoạch còn vỏ để tránh hư giập khi vận chuyển. Sau đó mang đến nơi có bóng mát mới tách bỏ vỏ. Dùng dao rạch một đường dọc trên vỏ bi, rồi dùng tay tách bỏ vỏ, gỡ sạch râu bắp, cắt bỏ cuống trái.
Đối với giống bắp non lai Pacific 421 có thể thu hoạch vào khoảng 41-43 ngày sau khi trồng và thu hoạch kéo dàichừng 7-12 ngày. Thu hoạch bắt đầu khi trái thứ nhất phun râu 3-5 cm và với trái thứ hai và trái thứ ba thì chờ phun râu dài 5cm. Màu râu hồng tím chưa biến thành nâu đen. Mỗi cây thường thường có từ 3 trái (thỉnh thoảng cũng có cây có 5 trái) và thời gian thu hoạch rộ tập trung trong 5 ngày đầu. Tránh thu hoạch ép hoặc để bắp phát triển vượt quá kích cở sẽ làm cho năng suất và giá trị sản phẩm giảm.Bà con nên thu hoạch và giao sản phẩm mỗi ngày trong suốt thời gian thu hoạch để không bị mất ký và héo.
Nơi vị trí trái bắp đã cắt có thể sẽ tái mọc lên trái khác. Vì vậy, nếu muốn giữ trái này cần phải bón thêm phân (nhất là các loại phân bón lá) để trái bắp có đủ dinh dưỡng và phát triển tốt nhằm giảm bớt trường hợp dị dạng, bông dừa.
* Những đặc điểm nhận biết trái bắp non đạt tiêu chuẩn chất lượng.
– Chiều dài trái từ 4-9 cm.
– Đường kính trái(chổ lớn nhất) đạt từ 1-1,5 cm.
– Trái bắp có màu vàng sáng và hình dáng đẹp.
– Sự xếp noãn trên trái đều đặn.
Nguồn: khoahochonhanong.com.vn