Kỹ thuật trồng giống dưa Chuột 179 và TN 883

Đây là giống dưa chuột chịu nhiệt, thích hợp trồng cho các vụ Xuân, Xuân-Hè và Hè-Thu, cho năng suất cao, chất lượng quả cao được bà con nông dân nhiều nơi ưa chuộng.

Đây là 2 giống dưa chuột lai F1 có nguồn gốc từ Thái Lan được Công ty TNHH Hạt giống Trang Nông nhập nội, trồng thử nghiệm thành công và độc quyền phân phối tại Việt Nam trong 2 năm qua. Đây là giống dưa chuột chịu nhiệt, thích hợp trồng cho các vụ Xuân, Xuân-Hè và Hè-Thu, cho năng suất cao, chất lượng quả cao được bà con nông dân nhiều nơi ưa chuộng.

Nhìn chung cả 2 giống đều sinh trưởng khỏe, phân nhiều nhánh phụ, tỷ lệ hoa cái rất cao (hầu như mỗi mắt một hoa) và tỷ lệ đậu quả cao trên cả các nhánh phụ, trong khi các giống khác chủ yếu chỉ đậu quả trên thân chính. Giống 179 cho năng suất rất cao, trung bình 2,5-3,0 tấn/sào Bắc bộ (80-85 tấn/ha), hiện chưa có giống dưa chuột nào vượt trội về năng suất cao so với giống 179. Quả dài 22-25cm, đường kính 4,5-5cm, ít hạt, ruột đặc, ăn giòn, vỏ màu xanh sáng.

Kỹ thuật trồng giống dưa Chuột 179 và TN 883 - ky thuat trong giong dua chuot 179 va tn 883 1 640x447

Một ưu điểm của 2 giống mới này là không bị biến màu vàng như các giống khác sau khi thu hái trong vòng 7 ngày. Quả của giống TN 883 có độ đồng đều cao hơn giống 179, ít bị cong queo, vẹo quả. Thời gian từ trồng đến thu hái lứa đầu khoảng 30-32 ngày và có thể thu hoạch 45-60 ngày.

Nhược điểm của giống 179 là dễ bị bệnh vàng lá do nấm gây ra, nên cần chú ý khắc phục bằng cách lên luống cao, thoát nước tốt, xử lý đất trước khi trồng bằng các loại thuốc trừ nấm và phun thuốc phòng định kỳ 7-10 ngày để hạn chế bệnh phát sinh, phát triển. Do khả năng kháng bệnh vàng lá của TN 883 cao hơn giống 179, nên chủ trương của Công ty Trang Nông đưa giống này vào sản xuất, nhằm thay thế cho giống 179 ở những vùng đất hay bị bệnh vàng lá nói trên.

Để có thể đạt năng suất cao khi trồng các giống dưa chuột lai F1 mới này trong các vụ Xuân-Hè và Hè-Thu, bà con nông dân cần lưu ý một số điểm sau đây:

– Nên chọn các chân đất tốt, giàu mùn, dễ thoát nước như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, bãi bồi ven sông. Không nên trồng trên các loại đất sét nặng, khó thoát nước, đất chua phèn; không trồng lại ở những ruộng vụ trước đã trồng dưa chuột và các cây họ bầu bí. Đất trồng dưa phải được cày bừa kỹ cho tơi xốp, lên luống cao 30cm, trồng vào mùa mưa và phải lên líp và đào rãnh thoát nước tốt.

– Lượng hạt giống cần cho 1 sào Bắc bộ là khoảng 50g, nên ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) trong 6 giờ, vớt ra để ráo nước rồi ủ ấm cho nứt nanh thì đem gieo. Có thể xử lý hạt giống bằng các loại thuốc chống nấm để hạn chế bệnh sau này. Có thể gieo trực tiếp mỗi hốc 1 hạt với khoảng cách cây cách cây 50cm, luống cách luống 1,2m để có mật độ khoảng 900-1.000 cây/sào Bắc bộ hoặc gieo ươm vào túi bầu rồi trồng trên luống. Dùng những cây khỏe mạnh để trồng dặm những hốc không mọc hoặc mọc yếu để đảm bảo mật độ. Nên dùng màng phủ nilon để phủ mặt luống, nhằm hạn chế cỏ dại, sâu bệnh gây hại, chống bốc hơi nước, phân bón.

Chăm sóc

 Tuyệt đối không dùng phân tươi để bón hoặc tưới, chỉ nên sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục gồm: Phân chuồng 20-25 tấn/ha; phân đạm Urê: 150-250 kg/ha; phân Kali sunfat: 200-250 kg/ha. Ngoài ra, có thể sử dụng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân hữu cơ khoáng trong trường hợp thiếu phân chuồng. Toàn bộ phân chuồng + 20% phân Kali sunfat dùng bón lót trước khi trồng (trộn đều khi lên luống hoặc bón theo hốc). Số còn lại dùng để bón thúc và bón bổ sung chia làm 2 đợt:

+ Đợt 1: Từ lúc cây có 1-2 lá thật đến khi ra hoa, chia lượng phân bón cho cả đợt làm 2-3 lần bón, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Phân bón được hòa loãng vào nước tưới vào gốc cây hoặc bón cách xa gốc 15-20 cm. Bón phân kết hợp làm cỏ, xới váng, vét luống, vun gốc và tưới nước.

+ Đợt 2: Từ khi cây có nụ hoa cái và trong suốt quá trình thu quả, cây được tưới liên tục nước phân hòa loãng. Tổng lượng phân cả đợt chia làm 5-7 lần bón, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Sau mỗi đợt thu quả nên bón thêm phân và vun xới cây sẽ tiếp tục ra hoa và cho quả.

– Làm giàn chữ A cao 2m cho dưa chuột leo. Khi cây đã lên giàn trên 1,8-2m có thể bấm ngọn cho dưa phân nhiều nhánh sẽ cho nhiều quả.

– Thu trái 1 lần/ngày theo yêu cầu của khách hàng. Không nên để trái lớn quá lúc cây còn nhỏ, sẽ làm mất sức các đợt cho trái tiếp theo, dưa tốt có thể hái 20 lần trở lên.

Nguồn: sưu tầm

Tìm bài này trên Google:

  • giống dưa leo mới

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng giống dưa Chuột 179 và TN 883

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *