Máy cuốn rơm giúp nâng cao giá trị cây lúa

Huyện Châu Thành (An Giang) có 29.252ha đất sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là lúa nên nguồn nguyên liệu từ rơm khá dồi dào với khoảng 287.000 tấn/năm.

Máy cuốn rơm giúp nâng cao giá trị cây lúa - jpg54

Đây là nguồn phụ phẩm rất lớn phục vụ cho nghề trồng nấm, trồng màu và là nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò.

Từ năm 2005-2010, thực hiện dự án trồng nấm rơm của tỉnh An Giang, diện tích trồng nấm của huyện Châu Thành có lúc lên đến 145ha, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, diện tích làm nấm rơm giảm đáng kể. Nguyên nhân là do áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng, số lượng máy gặt đập liên hợp đã chiếm 98% diện tích thu hoạch lúa; do thiếu hụt lao động để gom rơm và đặc biệt là do thiếu máy móc, phương tiện để gom rơm ngoài đồng ruộng. Mặt khác, số lượng đàn bò ngày càng tăng, cần nguồn thức ăn lớn và rơm cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu trong khâu xuống giống cho bà con trồng rau màu.

Vì vậy, để nâng cao giá trị phụ phẩm từ cây lúa, đáp ứng nguyên liệu cho nghề trồng nấm, trồng màu cũng như chăn nuôi bò, việc đưa cơ giới hóa vào khâu thu gom rơm là rất cần thiết, giúp giải quyết vướng mắc về nhân công lao động và khâu chuyên chở cho nông dân.

Từ thực tế này, vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã phối hợp với Công ty TNHH sản xuất – thương mại và dịch vụ Hoàng Giang – Đại lý Kubota Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) tổ chức thao diễn máy gom rơm HG-870 tại xã An Hòa.

Máy được sản xuất theo công nghệ của Trung Quốc, có trọng lượng khoảng 440kg, dài 1,3m, thuận lợi khi vận hành ngoài đồng ruộng. Công suất hoạt động của máy trong 1 ngày (8 giờ) khoảng 6ha, tiêu hao 5 lít nhiên liệu. 1ha máy cuốn được 120-150 cuộn rơm, đường kính mỗi cuộn 60cm, dài 70cm. Trọng lượng mỗi cuộn dao động từ 22-25kg, tùy theo rơm khô hay ướt. Chiết tính chi phí 1ha với 2 nhân công lao động, máy cuốn được khoảng 120-150 cuộn rơm. Giá bán mỗi cuộn rơm là 25.000 đồng, trừ chi phí, bà con có thể thu lợi nhuận từ 2,5 – 3 triệu đồng/ha.

Trước băn khoăn của nông dân về khả năng vận hành của máy trong vụ hè thu, thu đông và đầu ra của sản phẩm, ông Nguyễn Quang Chí, đại diện công ty cho biết, khả năng cuốn rơm của máy khá tốt trong điều kiện rơm khô lẫn rơm ướt, thời gian bảo hành là 3 tháng, máy rất dễ vận hành, sửa chữa.

Việc áp dụng máy cuốn rơm vào đồng ruộng không chỉ giúp nâng cao giá trị cây lúa mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phụ phẩm dồi dào  cho các lĩnh vực sản xuất khác, cần được nhân rộng.

Phạm Thị Như

Thảo luận cho bài: Máy cuốn rơm giúp nâng cao giá trị cây lúa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *