Vì sao bón xi măng làm lúa tốt?

Một số nhà khoa học đã lên tiếng về tác dụng tích cực nhất thời và hiệu ứng tiêu cực của việc dùng xi măng dùng làm phân bón.

Vì sao bón xi măng làm lúa tốt? - 56a58ba78ff55

Bón phân hóa học là giải pháp tối ưu nhằm tăng năng suất lúa

Gần đây báo chí có đưa tin một số nông dân ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp sử dụng xi măng làm phân bón cho lúa thì thấy cây lúa phát triển khác biệt so với những nơi không rải xi măng.

Thông tin này khiến dư luận xôn xao. Một số nhà khoa học đã lên tiếng về tác dụng tích cực nhất thời và hiệu ứng tiêu cực của việc dùng xi măng dùng làm phân bón.

Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số thông tin cơ bản có thể giải thích sơ bộ lý do vì sao xi măng làm cho lúa và cây cối xanh tốt và sinh trưởng tốt.

1. Tóm tắt về các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây

Đối với sinh vật nói chung và cây trồng nói riêng, để sinh trưởng và phát triển tốt đều cần các chất dinh dưỡng với liều lượng cân đối. Có ba nhóm dinh dưỡng chính cần thiết cho cây trồng, bao gồm nhóm đa lượng là đạm (N), phốt pho (P) và kali (K); nhóm thứ cấp (trung lượng) là can xi (Ca), ma nhê (Mg) và lưu huỳnh (S); và nhóm vi lượng là đồng (Cu), sắt (Fe), măng gan (Mn), mô líp đen (Mo), kẽm (Zn), bô rôn (B), si líc (Si), cô ban (Co), vanadium (V) và một số hoạt chất hiếm khác.

Các chất này đóng vai trò khác nhau trong quá trình sinh trưởng, sinh sản và phát triển của cây. Cây cần các chất dinh dưỡng với các liều lượng khác nhau cũng tùy vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Các chất đa lượng (cần nhiều) như đạm cần thiết cho sự phát triển của lá, phốt pho cần cho sự phát triển của rễ, hoa…

Các chất dinh dưỡng trung lượng (thứ cấp, cây cần ít hơn so với đa lượng) như canxi (Ca) cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cây cũng như tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khác, kích thích tăng trưởng của tế bào cây, giúp cây tăng cường khả năng kháng bệnh…

Chất ma nhê (Mg) cũng là chất dinh dưỡng trung lượng, tham gia vào nhiều chức năng trong cây và là thành phần chính của diệp lục tố (làm cho lá có màu xanh) và tham gia vào quá trình quang tổng hợp.

Các chất vi lượng (cần với số lượng rất ít) như silic (Si) làm cho cây chắc và khỏe hơn, cải thiện được tính chống chịu sâu bệnh, chống đổ ngã và tăng tính kháng hạn…; chất sắt (Fe) không phải là thành phần chính của diệp lục tố nhưng rất cần thiết cho qua trình quang tổng hợp và là chất phụ gia làm tăng cường khả năng trao đổi chất trong cây.

2. Tổng quát nguyên vật liệu thô được sử dụng làm xi măng và hàm lượng các chất có trong xi măng liên quan đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa

Theo trang thông tin bách khoa toàn thư Britannica, xi măng là chất kết dính rất mịn và sẽ đông cứng lại sau khi được pha với nước. Xi măng chủ yếu được dùng trong các công trình xây dựng nhà cửa, cầu cống, đường xá…

Các thành phần chính của loại xi măng sử dụng rộng rãi có tên là Portland bao gồm vôi (lime), đá phấn (chalk), đá xi măng (cement rock), đất sét trắng (kaolin clay), quặng xỉ (slag) và một số chất phụ gia khác như thạch cao (gypsum), axít sulfuric, phốt pho…

Các thành phần này được trộn lẫn theo tỷ lệ và xử lý ở bốn giai đoạn khác nhau, trong đó có quá trình đốt nóng lên đến 1.500oC, do đó có một tỷ lệ các chất nhất định sẽ bị thất thoát.

Trong thành phần chính của xi măng có chứa các chất thứ cấp (trung lượng) rất cần thiết cho cây bao gồm canxi, ma nhê và các chất vi lượng gồm sắt và silic; ngoại trừ nhôm (Al) dưới dạng hợp chất.

Ngoài ra trong phụ gia còn có lưu huỳnh và phốt pho có thể vẫn còn trong xi măng thành phẩm sau quá trình sản xuất từ vật liệu thô. Trong các vật liệu thô, phần lớn các hợp chất có chất trung lượng và vi lượng trong đất sét và quặng xỉ bị thất thoát rất ít hoặc không bị thất thoát qua quá trình xử lý và chế biến.

Đã có những thông tin đề cập đến các làng ung thư do người dân sinh sống và sinh hoạt gần các nhà máy xi măng ở tỉnh Hải Dương và Ninh Bình. Do vậy, nông dân hãy rất thận trọng trong việc sử dụng xi măng làm phân bón và tốt nhất là không nên sử dụng cho đến khi những thắc mắc của bà con về hiện tương này được giải đáp cụ thể và chính xác bởi các nhà khoa học trong thời gian sớm nhất.

Hai hợp chất có chứa chất ma nhê và sắt có tỷ lệ cao trong đất sét và quặng xỉ hơn so với các vật liệu khác và là những chất quan trọng đóng góp vào thành phần chính tạo ra màu xanh của lá và tham gia vào quá trình quang tổng hợp các chất trong cây như đã trình bày ở trên.

Hợp chất có chứa chất canxi có nhiều trong đá phấn, vôi, đá xi măng và quặng xỉ trong khi đó thì hợp chất có chứa silic có nhiều trong đất sét và quặng xỉ so với đá vôi, đá phấn và đá xi măng.

3. Những lý do có thể dẫn đến việc xi măng làm cho lúa sinh trưởng mạnh hơn và những khuyến cáo

Ở trong đất, các hợp chất chứa chất can xi (CaO), silic (SiO2) và ma nhê (MgO) ở dạng dễ hòa tan và cây có khả năng hấp thu ngay. Trong khi đó thì hợp chất chứa chất sắt (Fe2O3) ở trong đất rất phổ biến và dưới dạng khó hòa tan, tuy nhiên khi độ chua của đất tăng lên (độ pH giảm xuống) thì khả năng hữu dụng của sắt trong hợp chất này tăng lên và khi đó cây có khả năng hấp thu sắt tốt hơn.

Song khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng hay vi lượng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự cân đối giữa các chất dinh dưỡng trong đất, hàm lượng chất hữu cơ, quần thể vi sinh vật trong đất…

Thông thường trong quá trình canh tác, người nông dân chỉ chú trọng vào việc sử dụng các loại phân đa lượng mà ít quan tâm hơn đến phân trung lượng và vi lượng. Như vậy, có thể do xi măng mà một số nông dân ở Đồng Tháp bón cho lúa có chứa hàm lượng khá cao các chất trung lượng và vi lượng hòa tan (hữu dụng) thiết yếu nói trên cho cây, do đó đã làm lá lúa có màu xanh hơn và phát triển tốt hơn so với nơi họ bón phân bình thường (có thể chỉ là phân đa lượng NPK).

Sau khi nhận được thông tin nông dân sử dụng xi măng làm phân bón, các nhà khoa học và chuyên gia đã có những giải thích sơ bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng của việc bón xi măng tức thời có thể làm cây lúa phát triển xanh tốt, nhưng về lâu về dài có thể làm cho đất chai cứng và thoái hóa vì đặc tính kết dính kể trên nếu bón liên tục vụ này qua vụ khác và năm này qua năm khác.

Ngoài ra, trong xi măng còn chứa các chất phụ gia chỉ được cho phép sử dụng ở mức độ rất giới hạn. Các chất này có thể gây độc hại đến môi trường, sinh vật và sức khỏe của con người mà chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu và kiểm chứng ngay được khi dùng xi măng bón vào đất.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Vì sao bón xi măng làm lúa tốt?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *