Trong vài tuần đầu đời, các hoạt động cơ bản bạn cần làm cho cún con là cho ăn, giữ ấm và giúp chúng phát triển những kỹ năng xã hội.
Cách thức chăm sóc một cún con mới sinh
Sữa của chó mẹ sẽ cung cấp đủ dưỡng chất cho cún con trong thời gian bốn tuần đầu tiên sau khi ra đời. Bởi vậy, nếu bạn đang chăm sóc cho một chú cún xa mẹ hoặc đã mất mẹ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để được hướng dẫn đúng đắn về cách thức cho cún sơ sinh ăn bằng bình vì nếu bạn làm việc đó sai cách sẽ rất dễ gây ra nguy hiểm. Bạn nên cho cún con uống loại sữa dành cho chó. Cần chắc chắn là bạn sử dụng một loại sữa đặc biệt có thể dành cho cún, bởi sữa bò hay những sữa thay thế khác sẽ gây ra chứng tiêu chảy.
Cho chó con ăn bằng bình hoặc ống tiêm và cách vài tiếng một lần trong những tuần đầu.
Bao lâu thì nên cho cún con ăn một lần?
Thông thường, trong những tuần đầu tiên sau khi sinh ra, cứ khoảng 2 tiếng một lần, cún con cần được cho bú. Khi chúng phát triển và lớn hơn, khoảng cách giữa các cữ bú cũng tăng lên. Khi được khoảng 4 tuần tuổi, cún con bắt đầu chuyển dần từ chỉ bú sữa sang giai đoạn ăn thêm các thức ăn rắn hơn. Khi bắt đầu chuyển sang “ăn dặm”, bạn có thể ngâm đồ ăn thô của cún con trong nước ấm hoặc sữa rồi trộn cho tới khi thức ăn đặc như cháo. Có thể thực hiện chế độ ăn này vài lần một ngày. Dần dần, bạn giảm lượng sữa uống ngoài cho tới khi cún hoàn toàn ăn đồ ăn khô khi cún khoảng 7 – 8 tuần tuổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về lượng thức ăn hợp lý cho cún để được giúp đỡ lập một thời gian biểu bữa ăn lâu dài cho cún, phù hợp với nhu cầu phát triển của cún.
Chó sơ sinh có cân nặng bao nhiêu là hợp lý?
Trọng lượng trung bình của cún con phụ thuộc vào từng giống chó. Trong những tuần đầu tiên, cún con có thể sẽ tăng gấp 2 tới 3 lần cân nặng ban đầu. Nếu mỗi ngày tăng 10 – 15% trọng lượng mới sinh thì được coi là khỏe mạnh. Những chú chó con không tăng cân đủ trong giai đoạn đầu này sẽ khó sống hơn.
Tôi có nên nâng hay bế chó con không?
Bạn không nên cầm nắm cún con nhiều trong khoảng hai tuần đầu tiên và chú ý đừng làm chó mẹ khó chịu khi giữ cún con quá lâu. Tuy nhiên, nếu bạn phải tự chăm sóc cún thì việc bế cún nhiều là cần thiết để giữ cho chúng luôn ấm áp, sạch sẽ và cho chúng ăn trong hai tuần đầu.
Hãy chắc chắn rằng cún con luôn được giữ ấm trong thời gian này – có thể dùng một miếng đệm làm ấm có điều khiển hoặc chai nước ấm được bọc trong một chiếc khăn. Lúc cún ba tuần tuổi, cố gắng giữ chúng nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn vài lần mỗi ngày – đây là khoảng thời gian thị giác và thính giác của chó con đang phát triển, răng bắt đầu mọc và được xem như là quãng thời gian quan trọng cho cún hòa nhập với thế giới bên ngoài. Trước khi cún được khoảng 3 tuần tuổi, hãy chú ý đừng cho trẻ em bế giữ, cún khi không có người lớn để mắt tới.
Phương pháp để hướng dẫn cún con đi vệ sinh
Trong vài tuần tuổi đầu tiên, cún con không thể tự mình điều khiển việc đi vệ sinh. Theo bản năng, chó mẹ sẽ liếm chó con để kích thích chúng bài tiết. Nhưng nếu bạn đang nuôi một chú chó con mà không còn mẹ, bạn sẽ phải làm điều này để giúp cún và may mắn là bạn có thể dùng tay thay vì dùng lưỡi như chó mẹ. Nhúng một chiếc khăn mềm hoặc một miếng gạc trong nước ấm, rồi nhẹ nhàng chà xát vùng hậu môn và tiết niệu sau khi ăn. Sự ấm áp, mềm mại cùng những chuyển động sẽ giống hệt tác động chó mẹ gây ra. Đây là điều quan trọng bạn phải làm, do đó cần có bác sĩ thú y tư vấn cho bạn những phương pháp để thúc đẩy cún con tự mình bài tiết. Cún con sẽ bắt đầu tự chủ trong việc này khi chúng khoảng 3 – 4 tuần tuổi.
Khi nào chó con nên được đưa tới bác sĩ thú y để kiểm tra lần đầu tiên?
Giả sử tất các cún con đều khỏe mạnh, hầu hết các bác sĩ thú y khuyên rằng chúng vẫn cần được kiểm tra lần đầu tiên vào lúc 6 tuần tuổi. Tẩy giun và khám lâm sàng có thể thực hiện từ khi chúng còn rất nhỏ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để sắp xếp kế hoạch y tế dự phòng cho chó con của bạn. Tuy nhiên, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức, nếu cún có biểu hiện gì bất thường trong những triệu chứng sau đây:
- Tỏ ra chán ăn
- Chậm tăng cân
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Khó thở
- Ho/thở khò khè
- Khóc liên tục
- Lợi nhạt màu
- Mắt sưng lên hoặc có rỉ mắt
- Chảy nước mũi
- Không đi tiểu, đi ngoài