Cách chăm sóc da cho thú cưng

Chúng ta đều đủ lớn để nhận ra rằng, vào mùa đông thời tiết khô và gió lạnh sẽ khiến da dẻ trở nên xấu đi rất nhiều.

Kể cả khi hệ thống thông khí của nhà bạn tốt đến đâu đi chăng nữa, cơ thể bạn vẫn phải gồng mình để chống lại sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm không khí. Không phải lúc nào cơ thể cũng tự cân bằng được lượng hóa chất, chất nhờn và vi khuẩn thích hợp để da luôn mềm mại và đàn hồi.

Những hệ quả thường gặp của mùa đông là làn da trở nên khô ráp, ngứa ngáy, đóng vảy. Điều này cũng đúng với cả làn da của thú cưng, có nghĩa là đa phần những cách bạn dùng để chăm sóc da cũng có thể áp dụng với chúng.

Cách chăm sóc da cho thú cưng - cach cham soc da cho thu cung 500x332

Tắm gội và cắt tỉa lông cho cún

Một trong những tình trạng điển hình thường thấy khi thay đổi thời tiết là bong tróc da. Nói đơn giản thì đây là những tế bào da chết có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên da hoặc tóc; tuy nhiên nó sẽ khiến thú cưng của bạn không thoải mái khi da tiết ra quá nhiều sebum – một loại dầu, sản phẩm của tuyến nhờn trên da – khiến tình trạng bong tróc da càng trở nên trầm trọng hơn. Những tế bào da chết này có thể vón cục hoặc tạo thành các mảng rộng trên bề mặt da. Mùa đông là lúc làn da dễ gặp phải tình trạng này nhất.

Tuy nhiên, đối với những chú cún với làn da nhạy cảm thì việc tắm gội cho chúng còn làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong mùa đông, bạn không nên tắm cho chúng quá nhiều để tránh việc loại bỏ lượng dầu tự nhiên trên da của cún hay gây kích ứng da do các thành phần hóa học trong dầu tắm hay xà phòng. Tắm bằng nước cho chúng là đủ, nếu bắt buộc phải dùng xà phòng hay dầu tắm, hãy dùng loại cho da nhạy cảm và có tác động giữ ẩm cho da.

Trong trường hợp cún cưng của bạn đã bị kích ứng, tắm bằng bột yến mạch là liệu pháp thường xuyên được sử dụng để xoa dịu làn da của chúng. Có nhiều loại dầu tắm được thiết kế riêng khi da cún bị kích ứng và trở nên ngứa ngáy, nhưng bạn không thể sử dụng chúng một cách bất cẩn, mà phải cân nhắc đến tình trạng sức khỏe và độ tuổi cún cưng; tình trạng lớp lông trên cơ thể chúng. Nếu bạn không chắc chắn, hãy nói chuyện với bác sĩ thú y hoặc chuyên viên chăm sóc trước khi quyết định liệu pháp điều trị cho làn da của cún cưng.

Chải lông nhẹ nhàng cho chúng sẽ kích thích sự phát triển của các nang lông cũng như tuyến dầu tự nhiên, đồng thời loại bỏ các mảng đóng vảy trên da. Việc loại bỏ các tế bào chết sẽ tạo điều kiện cho các tế bào da mới được tái tạo và trở nên khỏe mạnh.

Dinh dưỡng bổ sung cho làn da

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng quanh năm sẽ khiến sức khỏe của cún luôn ở tình trạng hoàn hảo nhất, ngay cả khi mùa đông đến. Mặc dù điều này không đảm bảo rằng cún sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề nào, nhưng nếu có, chúng cũng sẽ hạn chế hơn và dễ dàng giải quyết hơn. Ví dụ, một lượng acid béo vừa đủ – có thể là omega-3 hoặc omega-6 – trong chế độ dinh dưỡng là thành phần cần thiết để có làn da khỏe mạnh, cứng cáp và đàn hồi. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để biết được loại chất bổ sung nào là cần thiết cho cún cưng của bạn.

Cân nhắc đến điều kiện môi trường

Bạn không thể điều chỉnh nhiệt độ ngoài trời theo ý mình, mà cũng chẳng thể giữ cún cưng ở trong nhà cả ngày – chúng cần không gian tự nhiên để tự giải tỏa – tuy vậy, bạn cần giữ cho căn nhà của mình thoáng khí, sử dụng máy làm ẩm không khí hay quạt để các vi khuẩn, mầm bệnh không lưu lại trên không khí, thảm hay các vật dụng khác trong nhà.

Để tạo ra một không gian thoải mái và thoáng đãng cho cả chủ và thú cưng, bạn nên hạn chế sử dụng các loại nước xịt phòng, nước lau rửa nội thất hay nước xịt làm sạch thảm, vì ta khó lòng mà loại bỏ hết các hóa chất độc hại từ các sản phẩm này ra khỏi căn phòng được.

Những nguyên nhân khác gây ra bệnh về da

Bên cạnh thay đổi thời tiết, một số thủ phạm khác cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề về da cho cún cưng như các loại nấm mốc, vi khuẩn lưu lại trong nhà, khiến thú cưng bị kích ứng da hoặc bị khó thở, nhất là đối với những chú cún nhạy cảm. Trong trường hợp này, bác sĩ thú y sẽ chẩn đoán và điều trị những cơn dị ứng bằng thuốc uống, chất dinh dưỡng bổ sung hoặc dầu tắm với công thức phù hợp.

Một nguyên nhân tiềm tàng khác nằm ở các khuẩn kí sinh gây ra những vấn đề về gan, thận, hay gây rối loạn hormone và rối loạn dinh dưỡng. Nếu những liệu pháp điều trị bệnh về da thông thường ở cún không khiến tình hình khả quan hơn, bạn cần đưa cún đi kiểm tra tổng quát toàn bộ cơ thể để xác định những vấn đề bệnh lí khác có thể xảy ra.

Cuối cùng, bạn cần nhớ kĩ rằng ngay khi cún cưng có biểu hiện ngứa ngáy, không ngừng gãi đến mức làm tổn thương da, bạn cần đưa chúng đến gặp bác sĩ thú y ngay trước khi tình trạng kích ứng da phát triển thành viêm nhiễm.

Nguồn: nanapet.com

Thảo luận cho bài: Cách chăm sóc da cho thú cưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *